Một báo cáo của Quỹ nghiên cứu Brookings có trụ sở tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ cho thấy rằng vào năm 1970, lao động làm việc trong lĩnh vực STEM có thu nhập cao hơn trung bình của các lĩnh vực khác khoảng 12%, đến năm 2012, mức chênh lệch này là 21% và được dự đoán là tiếp tục tăng nhanh trong các năm sắp tới do khuynh hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sự thiếu hụt lao động chất xám trong lĩnh vực này. Theo thống kê của tổ chức tư vấn STEM Connector (Hoa Kỳ) năm 2018, Hoa Kỳ thiếu hụt khoảng 650 ngàn lao động STEM – con số này ở Anh quốc là 100 ngàn, Đức là 210 ngàn, và ở Việt Nam là gần 1 triệu. |
Là một cấu phần của “Đề án Hỗ trợ đào tạo nguồn lực Khoa học Công nghệ Việt Nam”, chương trình đưa giáo dục STEME ứng dụng cao, hoàn toàn khác biệt dựa trên tinh thần khởi nghiệp, tới học sinh THPT của Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu triển khai được 500 CLB STEME trên toàn quốc vào năm 2023.
Tổ chức UNESCO đã đề xướng mục đích học tập là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã đưa ra báo cáo “Tầm nhìn mới cho Giáo dục” (New Vision for Education, 2015) khẳng định tầm quan trọng của việc học tập phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của xã hội và thị trường làm việc, cũng như tính cấp thiết trong việc hợp tác giữa tất cả các nguồn lực như các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, giới khoa học, công nghệ, và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí tại Mỹ, ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, cựu tổng thống Barack Obama đã đưa ra sáng kiến “Giáo dục để đổi mới” (“Educate to Innovate”) trị giá 700 triệu USD để kết nối hợp tác công tư trong giáo dục STEM, đào tạo 100.000 giáo viên STEM, và phát triển một nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực STEM, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, vào mùa hè 2018, Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale) trong chuyến trở về quê hương để gặp những người có chuyên môn khoa học kỹ thuật và bày tỏ mong muốn xây dựng chương trình tương tự – một chương trình STEM mang tính thực tiễn, giáo dục tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao cho học sinh THPT, và kết hợp được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng đồng hành.
Xuất phát từ ý tưởng này của GS Văn, người về sau giữ vai trò Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu của Vingroup, dự án Đại học VinUni đã triển khai đưa chương trình STEM vào các trường THPT ở Việt Nam thông qua việc hình thành các CLB STEME. Được phát triển dựa trên những mô hình thành công tại các quốc gia phát triển, chương trình STEME của VinUni có hai điểm khác biệt hoàn toàn
GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale) đã có phần phát biểu truyền cảm hứng tại sự kiện STEME DAY
Giai đoạn một – giai đoạn thí điểm, VinUni hướng đến 20 trường THPT có chất lượng hàng đầu Việt Nam để thành lập các CLB STEME. Khi xây dựng giáo trình và kế hoạch hoạt động của các CLB, đội ngũ chuyên gia đã chú trọng đưa các học phần về “khởi nghiệp” và “kỹ năng học tập thế kỷ 21” vào các CLB STEME, và thật sự tạo sự khác biệt và nổi bật với các chương trình STEM khác.
Với việc toàn bộ các hoạt động CLB được thực hiện dựa trên dự án và hoạt động nhóm, học sinh sẽ phải cùng nhau suy nghĩ để sáng tạo những sản phẩm mới, có thể áp dụng được vào cuộc sống. Khi đã có tính ứng dụng thực tiễn, học sinh tiếp tục được khuyến khích phát triển tính khả thi và khả năng thương mại hóa của sản phẩm.
Sản phẩm Mô hình Thủy canh chữ A thông minh – THPT Nguyễn Thượng Hiền
Hơn một năm từ khi lên ý tưởng đến ngày trao giải nhất cuộc thi Think Eco cho CLB STEME trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) là một quãng đường dài, đặc biệt là đối với những người làm công tác tổ chức.
Gần 1.000 giờ giảng dạy được VinUni phối hợp cùng các đơn vị chủ trì chương trình như Học viện sáng tạo S3, đội ngũ cố vấn, chuyên gia và gần một tỷ đồng tiền tài trợ trang thiết bị cho các CLB STEME đã thể hiện sự đầu tư một cách nghiêm túc, dài hạn và tâm huyết của Vingroup. Không chỉ vậy, trong suốt quá trình chương trình diễn ra, Vingroup đã mời chuyên gia, giảng viên đại học đến tận các trường THPT để phối hợp, giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm về giáo dục STEME cho các thầy cô và học sinh.
Đánh giá về thành công của mô hình giáo dục STEME trong giai đoạn một, Giáo sư Rohit Verma, hiệu trưởng đầu tiên của VinUni khẳng định Vingroup và các đơn vị phối hợp đã đi đúng hướng. Các sản phẩm dự thi Think Eco do chính các em học sinh tự làm trên cơ sở kiến thức và kỹ năng được trang bị khi tham gia CLB tuy không đạt độ hoàn thiện và phức tạp về công nghệ nhưng có tính ứng dụng thực tiễn rất cao.
Tiến sỹ khoa học Đặng Văn Sơn, người sáng lập Học viện sáng tạo S3 cho rằng, yếu tố con người có đóng góp rất lớn vào thành công của chương trình giáo dục STEM giai đoạn một. “Bốn yếu tố con người là đội ngũ VinUni, đội ngũ chuyên gia, giáo viên trường THPT và các em học sinh chính là cốt lõi, mang đến thành công cho chương trình”, anh Sơn khẳng định. Cùng với đó, theo người đứng đầu Học viện sáng tạo S3, yếu tố con người là cốt lõi thì những điều kiện khách quan như giáo trình, điều kiện cơ sở vật chất và niềm đam mê của học sinh là giá đỡ để giúp phần lõi thêm vững chắc.
Những học sinh được lựa chọn tham gia CLB không dựa trên thành tích tốt trên lớp mà được căn cứ vào đam mê của chính các em. Nếu không có sự đam mê, học sinh sẽ rất khó để vượt qua những khó khăn gặp phải trong quá trính nghiên cứu.
Trần Bình Nguyên, học sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh, là thành viên đội chơi đã giành giải Nhất cuộc thi Act Nino – một trong 2 cuộc thi chính diễn ra song song trong chương trình. Trước đó, em và các bạn đã bị loại khỏi cuộc thi Think Eco và khóc rất nhiều. Chia sẻ về động lực giúp em vượt qua nỗi buồn thua cuộc để trở thành quán quân cuộc thi phụ, Bình Nguyên chỉ cười: “Khi bị loại khỏi cuộc thi Think Eco, em đã gần như buông xuôi nhưng khi nhìn lại công sức đã bỏ ra trong suốt 2 tháng cùng những lời cổ vũ của gia đình, thầy cô và bạn bè, em nghĩ đây chưa phải lúc để mình bỏ cuộc.”
Đội tuyển trường THPT Chuyên Hà Tĩnh – Giải nhất cuộc thi Act Inno
Nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục chiến đấu không lùi bước của Bình Nguyên và các thành viên trong đội chính là biểu hiện rõ nét của tinh thần khởi nghiệp – điều mà Vingroup đã tập trung xây dựng, đầu tư ngay từ khi khởi động chương trình giáo dục STEME.
Là người đứng đầu đội ngũ tổ chức, Giáo sư Rohit Verma cho biết trong giai đoạn tiếp theo của chương trình giáo dục STEME, VinUni sẽ nâng cấp tài liệu dạy và học, tổ chức tập huấn để cung cấp thêm kiến thức chuyên sâu và các tình huống tự xử lý lỗi kỹ thuật thường gặp, nâng cao khả năng tự học cho giáo viên và học sinh tham gia CLB.
Giáo sư Rohit tin tưởng rằng, bất cứ một mô hình giáo dục nào cũng cần được xây dựng từ cái gốc là con người, ở đây chính là các em học sinh. Việc dạy học phải gắn với thực tế và giúp các em làm ra được những sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Đây chính là triết lý giáo dục mà VinUni đã, đang và sẽ theo đuổi.
VinUni và các đơn vị chủ trì tin mong muốn chương trình STEME sẽ góp phần nâng cao nhận thức về ngành nghề cho học sinh THPT, từ đó tăng tỉ lệ học sinh đăng ký các ngành kỹ thuật công nghệ của trường đại học, góp phần cung cấp cho thị trường vốn đang rất thiếu lao động này những nhân tài trong tương lai. Phát hiện và góp phần đào tạo nhân tài cho môi trường việc làm tại Việt Nam luôn là điều mà Vingroup hướng tới.