Tháng 4.2019, các giáo sư hàng đầu thế giới đến từ hai trường đại học Ivy League – Cornell và Pennsylvania đã có buổi trò chuyện đầu tiên trong chuỗi Hội thảo Think & Action – TA Talk, với chủ đề “Talents Made in Vietnam?”. Chia sẻ với 200 khách mời là giáo viên, phụ huynh, và học sinh ưu tú tới từ các trường xuất sắc của Hà Nội như Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Chuyên Khoa học tự nhiên, Chuyên Sư phạm, Chu Văn An, Việt Đức, Vinschool, các diễn giả đã phần nào giải đáp những câu hỏi ‘khó’ như “Công thức tạo nên nhân tài của các trường Ivy League là gì?” hay “Công thức ấy có thể áp dụng cho người Việt hay không?”
Ivy League, nơi đào tạo các nhân tài hàng đầu thế giới
Các đại học nhóm Ivy League là một bệ phóng quan trọng tạo ra các nhân tài kiệt xuất, bao gồm các nhà khoa học, các doanh nhân, các nghệ sỹ, các nhà hoạt động xã hội xuất chúng, có những đóng góp đột phá thay đổi diện mạo thế giới, kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Trong đó, hai đại học đối tác của VinUni là Đại học Pennsylvania và Đại học Cornell có những đóng góp quan trọng. Cụ thể, theo thống kê của Wealth X – Billionaire Census 2018, có tới 64 tỷ phú thế giới đã từng theo học tại Đại học Pennsylvania và 35 tỷ phú đã theo học tại Đại học Cornell. Không chỉ góp phần tạo nên những doanh nhân kiệt xuất, hai đại học này còn là một trong những chiếc nôi đào tạo hàng đầu thế giới về số nhà khoa học đạt giải Nobel, với tổng số 72 giải thưởng tính đến năm 2018.
“Có tới 64 tỷ phú từng theo học tại Penn và 35 tỷ phú từng theo học tại Cornell-
đóng vai trò quan trọng trong các nguồn hiến tặng tài chính cho trường.”
Vậy bí quyết tạo nên những nhân tài xuất chúng của Penn và Cornell là gì?
Giáo Sư Rohit Verma – Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Kinh doanh Cornell SC Johnson, cho rằng hạt giống ươm mầm nhân tài trước hết xuất phát từ nhận thức của những người trẻ tuổi về các vấn đề xã hội và việc họ tìm cách giải quyết nó ra sao.
Bắt đầu từ những vấn đề ai cũng nhìn thấy như việc tắc đường do quá tải xe cá nhân, hay câu chuyện của xã hội già hóa và những cụ già cần sự chăm sóc… Sẽ có nhiều người ca thán, chỉ trích, bức xúc và đổ lỗi. Cũng sẽ có nhiều người chấp nhận sống chung và không coi đó là vấn đề nữa. Tuy nhiên sẽ có một số ít sẵn sàng đón nhận thách thức, không chỉ trích, không buông xuôi mà muốn đứng lên để hành động tìm giải pháp. Và GS. Rohit gọi họ là những “nhân tài tương lai” không chỉ của nước Mỹ mà còn của cả thế giới.
Khi đã có nhận thức đúng đắn, rõ ràng việc giải quyết những vấn đề phức tạp ấy đòi hỏi những câu trả lời không đơn giản. Nó cần cả một hành trang vững chắc cả về tư duy, một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng những kiến thức, kỹ năng xuất sắc, trong đó có 10 kỹ năng đặc biệt quan trọng mà GS. Rohit nói đến. Đó là Giải quyết các vấn đề phức tạp, Tư duy phản biện, Sáng tạo, Quản lý nhân sự, Làm việc nhóm, Trí tuệ cảm xúc, Đánh giá và ra quyết định, Tư duy dịch vụ, Đàm phán và Nhận thức linh hoạt.
Giáo Sư Rohit Verma – Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Kinh doanh Cornell SC Johnson, cho rằng
“Một đại học xuất sắc phải là nơi trao cơ hội cho các sinh viên thực hiện được giấc mơ chinh phục thế giới của mình.”
Thế giới đang đổi thay nhanh chóng, có rất nhiều vấn đề cần suy nghĩ và giải quyết nhưng hãy bắt đầu thắp sáng con đường ấy bằng giáo dục. GS. Rohit cũng nhắn nhủ với các bạn học sinh hãy tự tin để bắt đầu suy nghĩ giải quyết những vấn đề từ đơn giản tới phức tạp và rèn luyện những kỹ năng để tự mình khiến tiềm năng trở nên thành công trong tương lai.
“Chúng tôi đang nỗ lực tạo nên sự liên kết về giáo dục Đông – Tây tại VinUni để làm nền tảng cho các thế hệ sinh viên Việt Nam phát triển tốt nhất. Có nhiều quốc gia trên thế giới thúc đẩy chương trình giáo dục đổi mới sáng tạo rất thành công. Và VinUni sẽ mở đầu cho sự thay đổi đó” – Giáo sư Rohit Verma khẳng định.
Công thức tạo ra nhân tài thông qua cải tổ Giáo dục Y khoa = Sáng tạo + Đổi mới + Đột phá
Tiếp nối câu chuyện của GS. Rohit, các con số thống kê cụ thể của GS. Gail Morrison, Nguyên Phó hiệu trưởng Giáo dục Y Khoa Trường Y Pereman (ĐH Pennsylvania) khiến toàn bộ hội trường đều bất ngờ.
Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1990 đến nay đã nâng cao chất lượng sống của người Việt, nhưng đồng thời cũng khiến các vấn đề y tế và sức khỏe của người Việt thay đổi nhanh chóng. Dù Việt nam chưa phải là quốc gia giàu, nhưng các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người Việt trong hơn 10 năm trở lại đây đã theo xu hướng của các nước phát triển, trong đó những bệnh tật mãn tính (không lây nhiễm) hay thường gọi là “bệnh nhà giàu” đang chiếm phần lớn và gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam. Đáng chú ý, tai biến mạch máu não, các bệnh tim, ung thư, Alzheimer, tiểu đường đang là những gánh nặng bệnh tật hàng đầu theo các thống kê quốc tế mới nhất.
Nguồn: Bài phát biểu của Giáo sư Gail Morison
Trong khi đó, so với các nước phát triển, Việt Nam hiện chỉ có 8 bác sỹ / 10.000 dân, thấp hơn nhiều so với con số trung bình của thế giới là 20, hay kể cả là của châu Á là 16. Tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng cũng tương tự như vậy, nếu như không nói còn trầm trọng hơn, Việt Nam chỉ có khoảng 14 điều dưỡng cho mỗi 10.000 dân (so với trung bình thế giới là 53 điều dưỡng).
Nguồn: bài phát biểu của Giáo sư Gail Morison
Như vậy, rõ ràng ngành Khoa học sức khỏe của Việt Nam cần có các giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới. Chúng ta cần có thêm nhiều bác sỹ, điều dưỡng có chất lượng chuyên môn cao, đặc biệt để ứng phó với xu hướng mô hình bệnh tật mãn tính đang gia tăng.
Giáo sư Gail Morisson cũng làm cho khán phòng kinh ngạc khi chiếu video về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư CAR-T cell – một thành tựu đột phá của các bác sĩ, nhà khoa học tại Penn. Liệu pháp này ứng dụng các công nghệ y sinh học phân tử tiên tiến nhất trên thế giới và giúp cơ thể hình thành các tế bào miễn dịch được “chỉnh sửa” bởi công nghệ gien, từ đó tấn công và diệt trừ tận gốc tế bào ung thư. Video cho thấy các chuyên gia Penn đã loại bỏ hoàn toàn bệnh ung thư máu khỏi cơ thể một bé gái 6 tuổi, đem lại cho em cả tương lai phía trước.
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư CAR-T cell – một thành tựu đột phá của các bác sĩ, nhà khoa học tại Penn
Qua video và những minh họa khoa học của GS. Gail, người nghe cũng hiểu rằng y khoa đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và chìa khóa để tạo ra những chuyên gia y tế của tương lai là chúng ta phải cải tổ cách đào tạo sinh viên ngành khoa học sức khỏe. Chúng ta cần có sự Sáng tạo trong khoa học công nghệ, sự Đổi mới trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc con người, và những Đột phá trong kiến thức, kỹ năng và tinh thần làm việc của nhân viên y tế chính là những bí quyết thành công của Đại học Pennsylvania.
Đây cũng chính là tầm nhìn và cam kết mà Penn sẽ đóng góp cho ngành khoa học sức khỏe của Trường Đại học VinUni thông qua liên minh chiến lược, để hướng tới việc đào tạo ra những thế hệ điều dưỡng, bác sĩ và những nhà lãnh đạo ngành y tế trong tương lai tại Việt Nam.
“Bí quyết thành công của Penn là Sáng tạo, Đổi mới và Đột phá”,
GS. Gail Morrison, Nguyên Phó hiệu trưởng Giáo dục Y Khoa Trường Y Pereman (ĐH Penn) nhấn mạnh.
Kết thúc phần chia sẻ, Giáo sư Gail nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt bởi những “công thức thành công” của giáo dục y khoa tại một đại học Ivy League được chia sẻ một cách sinh động.
Học sinh Việt nam rất chủ động và không gặp khó khăn khi giao lưu trực tiếp với các Giáo sư bằng tiếng Anh
Người thầy xuất sắc là người biết biến Tiềm năng thành Tài năng
Giáo sư Mark Campbell, Giám đốc Trường Cơ khí & Kỹ thuật Vũ trụ Sibley, thuộc Đại học Cornell, đã chia sẻ câu chuyện của chính bản thân ông – một câu chuyện thật gần gũi. Nhiều năm trước đây, ông cũng chỉ là một cậu bé học sinh phổ thông đến từ một thị trấn nhỏ, tính cách ông khá rụt rè, không thích thể hiện trước đám đông. Ẩn sâu trong vẻ ngoài rụt rè đó là niềm đam mê kỹ thuật và khoa học vũ trụ. Tốt nghiệp kỹ sư Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Carnegie-Mellon (CMU), rồi tiếp tục theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT), ông đã thực sự phát huy được hết khả năng và đam mê của mình khi gặp đúng môi trường, đúng thầy, đúng bạn. GS. Mark Campbell đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người thầy – người mà theo ông đã đánh thức và khơi dậy những giấc mơ bên trong ông, khích lệ ông dám mơ ước, dám hành động. Một người thầy xuất sắc sẽ là một bệ phóng thành công cho những nhân tài, biến ước mơ thành hiện thực, biến tiềm năng thành tài năng.
Mark Campbell đã thực sự truyền tới cả hội trường một niềm tin mạnh mẽ rằng, tài năng không chỉ do bẩm sinh mà tài năng hoàn toàn có thể rèn luyện và phát triển. Con người chúng ta ai cũng có tiềm năng để thành công.
Nhưng chỉ khi suy nghĩ khác biệt, hành động khác biệt, dám mơ ước, dám chấp nhận thử thách để thành công và chọn lựa đúng môi trường để rèn luyện, tiềm năng đó mới trở thành tài năng.
GS Mark Campbell – Giám đốc Trường Cơ khí & Kỹ thuật Vũ trụ Sibley, thuộc Đại học Cornell tin tưởng rằng
“Một người thầy xuất sắc sẽ là một bệ phóng thành công cho những nhân tài, biến ước mơ thành hiện thực,
biến tiềm năng thành tài năng.”
Kiến tạo Đại học xuất sắc, phát triển nhân tài Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam
Mỗi học sinh lớp 12 có năng lực vượt trội và khát vọng đột phá đều đứng trước hai lựa chọn chính, một là cố gắng để thi đỗ được vào các Đại học xuất sắc tại nước ngoài, hai là thi đỗ vào các Đại học top đầu tại Việt nam.
Theo thống kê của VinUni, có tới 65% học sinh THPT Việt Nam có học lực xuất sắc muốn được đi du học và 35% muốn học trong nước. Tuy nhiên, mỗi năm mỗi trường ĐH Top 20 chỉ nhận 1-3 học sinh hệ đại học từ Việt nam, việc xét tuyển hết sức cạnh tranh. Ngoài ra chi phí du học rất cao, vì vậy thực tế có ít hơn 300 sinh viên đang theo học tại ĐH Top 20 trên thế giới trong tổng số 130.000 du học sinh hàng năm.
Chính vì vậy, việc những đại học hàng đầu thế giới như ĐH Cornell và Penn, nơi tích lũy hàng trăm năm kinh nghiệm phát triển nhân tài đã sẵn sàng đồng hành cùng với VinUni xây dựng một Đại học xuất sắc là một giải pháp đột phá về giáo dục cho vấn đề phát triển nhân tài người Việt trên đất Việt.
Việc học tập tại Đại học VinUni mở ra một cơ hội chưa từng có cho các học sinh phổ thông xuất sắc của Việt Nam. Cơ hội đó bao gồm việc học theo chương trình được Đại học Ivy League thiết kế và kiểm chứng, được kèm cặp bởi các giáo sư hàng đầu, nhận các cơ hội thực tập, làm việc tại hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn Vingroup cũng như tại các tập đoàn đối tác hàng đầu thế giới và khu vực.
VinUni chào đón những sinh viên tinh hoa tương lai của VinUni, chúc các bạn trở thành 1 trong số 300 sinh viên đầu tiên được VinUni lựa chọn cho năm học 2020 sắp tới.
Tất cả khán giả đến với TA TALKS #1 tại Hội trường trường Trung Học Vinschool đã đồng loạt đứng lên
và liên tục dành những tràng pháo tay khi chương trình kết thúc.
Các bạn học sinh THPT Chuyên ngữ Sư phạm, Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên khoa học tự nhiên, Việt Đức
hào hứng chụp ảnh cùng các giáo sư Cornell và Penn
Chúc các em học sinh được truyền lửa nhiệt huyết từ TA TALKS và trở thành 1 trong 300 sinh viên đầu tiên của Đại học VinUni
Dự án Trường Đại học VinUni một lần nữa chân thành cảm ơn hai đối tác chiến lược: Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania, cùng hơn 200 thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh xuất sắc đến từ các trường THPT ưu tú như: Hà Nội – Amsterdam, Chuyên Ngữ, Chuyên Sư Phạm, Chuyên khoa học tự nhiên, Chu Văn An, Vinschool, Thăng Long… đã đến lắng nghe, cùng suy ngẫm và cùng hành động với chúng tôi. Hy vọng các em học sinh đã được truyền lửa nhiệt huyết từ TA TALKS và nỗ lực thật nhiều để trở thành 1 trong 300 sinh viên đầu tiên của Đại học VinUni. /