Không chỉ ở Việt Nam, Châu Á và nhiều nơi trên thế giới đều đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho nhiều ngành “hot” hướng tới phát triển xanh bền vững tại Việt Nam, trong đó có AI và công nghiệp bán dẫn. Mới đây, VinUni, OITI, ADB, AWS Amazon cùng nhiều chuyện gia đã tổ chức hội thảo bàn tròn nhằm bàn thảo về vấn đề này.
“Địa hạt” lớn ngành công nghiệp bán dẫn, AI
Hội nghị bàn tròn “Nâng cao năng lực hệ sinh thái nguồn nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn hướng tới phát triển xanh bền vững tại Việt Nam” được tổ chức mới đây bởi VinUni, OITI thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành đến từ VinUni, ADB, AWS Amazon và các đối tác chiến lực đến từ điểm cầu online các tỉnh Long An, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.
GS.Laurent El Ghaoui – Phó Hiệu trưởng VinUni nhấn mạnh, đây là vấn đề mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức tại Việt Nam, đặc biệt với ngành trí tuệ nhân tại (AI) Việt Nam đang có vị thế chiến lược.
“Chúng ta cần sáng suốt và cẩn trọng trong việc ứng dụng AI, và linh hoạt để hiểu mình đóng vai trò gì trong chuỗi giá trị của bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới. Hai chủ đề này có liên quan thực tiễn với nhau, nhiều ứng dụng trong thực tế. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn nguồn lực, năng lực cần thiết vì đây là quá trình dài trong việc tạo chỗ đứng trong chuỗi bán dẫ và trí tuệ nhân tạo” – GS. Laurent cho biết.
Theo các chuyên gia đến từ ADB, qua khảo sát, các bộ, ngành và địa phương đều quan tâm đến chuỗi giá trị sinh thái về nhân lực được thiết lập bởi công ty/tập đoàn và viện/trường. Nhận định cũng cho rằng, bán dẫn là nền tảng của các công nghệ lớn, từ cảm biến, các công nghệ thông minh, giao thông, y tế… chính vì vậy, tập trung đào tạo nhân lực là hạng mục và Việt Nam cần chú ý cho lộ trình dài trong tương lai.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho biết, Singapore, Malaysia đều đang thiếu hụt nguồn nhân lực của hai ngành này. Đây là vấn đề toàn cầu. Theo ông, điều cần làm là cần tư duy phát triển nguồn nhân lực theo tư duy toàn cầu. Trong giai đoạn ngắn hạn đến 2030, cần tạo ra nhận thức xã hội, dịch chuyển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài, “gửi” nhân sự đi đào tạo các nước. Dài hơi hơn thì trở thành quốc gia tiên phong trong đào tạo.
Chuẩn bị gì cho nhu cầu 50.000 nhân lực lĩnh vực bán dẫn, vi mạch?
Một con số được các chuyên gia đề cập là Việt Nam sẽ cần đến tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch là 50.000 người. Theo GS Laurent, để đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn đạt chất lượng, cần có một chiến lược toàn diện. Muốn đi nhanh và nâng cao năng lực nhân tài thì phải tận dụng nền tảng giáo dục đang có, tận dụng các khoản đầu tư dù là nhỏ, các nền tảng công nghệ.
Cùng với đó, để đào tạo nhân tài tốt thì cần có giảng viên tốt, cần có tầm nhìn trong đào tạo nguồn nhân lực để có lực lượng có kỹ năng, thực tiễn, mang lại giá trị cho ngành công nghiệp… “Cần đào tạo giảng viên là người Việt Nam vì ngôn ngữ tiếng Anh không phải là thế mạnh của tất cả mọi người. Phần tương tác và giải đáp thắc mắc cần là tiếng Việt để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người học” – ông nói.
GS Laurent cũng phân tích, trước đây, sinh viên phải chịu rủi ro và chi phí tài chính liên quan đến bằng cấp của mình. Họ phải chịu một “ván bài” đầu tư nhưng ko có gì hứa hẹn sẽ tìm được công việc theo đúng những gì mình đã đầu tư. Điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh theo hướng chủ động từ các bên liên quan trong đó có doanh nghiệp, nhà trường
“Các đơn vị đào tạo cần hiểu được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thì có thể kết hợp với nhau, thiết kế khóa học ngắn để làm việc cùng doanh nghiệp và xác định được những nội dung mà công ty đó đang cần. Giảng viên sẽ hỗ trợ thiết kế chương trình, môn học khóa học theo định hướng đó. Có thể là khóa học từ 3 – 6 tháng. Với kết quả tốt, tôi tin là các học viên sẽ sớm đáp ứng khi hiểu được thực tế tại doanh nghiệp, sẵn sàng tham gia chính thức vào các dự án của doanh nghiệp. Muốn làm được điều này cần có sự phối hợp nhịp nhàng nhất quán giữa các đơn vị, từ xây dựng thể chế chính sách đến xây dựng giáo trình, có như vậy mới tăng hiệu quả vào việc đầu tư con người.
Tại thảo luận bàn tròn, nhiều chuyên gia đồng tình rằng, đang có khoảng “thung lũng chết” trong đầu tư và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho AI và công nghiệp bán dẫn. Đơn cử như phân bổ nguồn vốn đầu tư giai đoạn sớm cho các dự án tiềm năng vẫn chưa hợp lý. Trong khi nhà nước đã hỗ trợ cơ bản về nghiên cứu đề tài thì ở giai đoạn từ sản phẩm mẫu đưa ra thị trường thành sản phẩm hoàn chỉnh vẫn là khoảng trống, đặc biệt trong lĩnh vực AI. Đã có nhiều câu chuyện thành công và tiềm năng về các dự án trong ngành AI nhưng mới chỉ dừng ở ươm tạo và đầu tư giai đoạn sớm thôi. Còn các giai đoạn sau thi đa phần đội ngũ dự án tự xoay sở nguồn vốn ở ngoài nước.