Diễn đàn mở “Giáo dục và Đổi mới vì Sản xuất Thông minh, Môi trường và Sức khỏe” vừa diễn ra tại khuôn viên Trường Đại học VinUni vào ngày 7/7/2023. Diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu của VinUni, Trường Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC) và các đối tác trong ngành bao gồm Intel, Foxconn, Boeing và VinFast.
Diễn đàn với mục tiêu thảo luận về cách Việt Nam có thể thúc đẩy giáo dục và đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, nhằm nâng cao sức khỏe và hiệu quả của cả con người và tài nguyên thiên nhiên. Sự kiện được đặt trong bối cảnh Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu, các chuyên gia nổi tiếng và các nhà lãnh đạo tư tưởng sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm, tham gia vào các cuộc trò chuyện năng động xoay quanh sản xuất thông minh, môi trường thông minh và chăm sóc sức khỏe. Bằng cách trao đổi ý tưởng và quan điểm, diễn đàn mong muốn mở ra các cơ hội và xác định các chiến lược để tối ưu hóa lĩnh vực sản xuất đồng thời đảm bảo phúc lợi của các cá nhân và tính bền vững của các nguồn lực.
Theo TS Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại hoc VinUni, Việt Nam được biết đến như là đất nước của tương lai, của tiềm năng và cơ hội. Tuy vậy, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Thách thức mà Việt Nam đang đối mặt bao gồm chảy máu chất xám, đổi mới xã hội (bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giáo dục…). Và đặc biệt là thách thức về đổi mới môi trường. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, nhưng đồng thời đối mặt với ô nhiễm không khí, bão lụt, biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, ô nhiễm chất thải…
Với sự hợp tác chặt chẽ của nhiều đối tác chiến lược từ các ĐH hàng đầu trên Thế giới, trong đó có UIUC, bà Lê Mai Lan tin rằng hai bên sẽ cùng nhau chung tay giải quyết các thách thức của Việt Nam. Một trong số đó là cùng nhau xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu cho VinUni, cùng tiến hành nghiên cứu và đào tạo ra những cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ xuất sắc. Bà cũng hi vọng đây là điểm khởi đầu cho những sự hợp tác tuyệt vời trong tương lai.
Toàn cảnh diễn đàn mở “Giáo dục và Đổi mới vì Sản xuất Thông minh, Môi trường và Sức khỏe”
UIUC được biết đến là một trong những trường tốt nhất trong hệ thống các trường trực thuộc Đại học Illinois, và là một trong 65 thành viên của Hiệp hội các trường Đại học Mỹ (The Association of American Universities) – bao gồm các trường Đại học nghiên cứu hàng đầu Hoa Kỳ. Trường thuộc Top 6 trường hàng đầu của Mỹ về khối ngành Kỹ Thuật, đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm vào các công trình nghiên cứu và đã nhiều lần đoạt giải Nobel. Các phát minh nổi tiếng nhất của các giáo sư và cựu học sinh của trường bao gồm vi mạch và LED có mặt ở hầu hết các thiết bị điện hiện nay.
Trao đổi tại diễn đàn, Giáo sư Robert J.Hones, Chủ tịch UIUC nhấn mạnh, UIUC cách xa nơi đây đến 8.000 dặm, nhưng đó không hề là thách thức. Sứ mệnh lớn nhất của UIUC là chuyển sức mạnh to lớn về trí tuệ, giáo dục trở thành sự thịnh vượng cho nền kinh tế và xã hội, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.
Việt Nam đang đi đầu trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, sức khỏe, năng lượng, lực lượng lao động và phát triển tài năng. Các trung tâm nghiên cứu tư nhân toàn cầu có mặt ở đây ngày hôm nay là minh chứng cho thấy Việt Nam đang nỗ lực trong đổi mới sáng tạo.
Với nền tảng vững chắc của UIUC, Giáo sư Robert tin rằng hai bên sẽ sớm có những hợp tác mới, tìm giải pháp giải quyết các thách thức phía trước. Đó là biến đổi khí hậu, khan hiếm nguyên liệu, khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và cung cấp nền tảng cho lực lượng lao động toàn cầu.
“Sự hợp tác chiến lược mạnh mẽ, sâu sắc và bền vững giữa UIUC và các trường đại học tại Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tôi rất vui mừng khi thấy các cuộc trò chuyện, thảo luận đã bắt đầu và sẽ tiến triển từ ngày hôm nay, từ đó đưa chúng ta đến với nhau” – GS Robert nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni và Giáo sư Robert J.Hones, Chủ tịch UIUC tại diễn đàn
Diễn đàn diễn ra hai phần thảo luận chính: Industry Panel: Search for talent and innovation for operations in Vietnam and Education & Innovation Panel. Theo đại diện Foxconn Vietnam, với mạng lưới địa phương khá lớn gồm 12 nhà máy sản xuất liên quan đến viễn thông, các ngành công nghiệp gồm xe điện, y tế số và robotics, đây sẽ là thị trường nhân lực tiềm năng cho tài năng trẻ Việt Nam. Hiện Foxconn đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nhân sự tài năng tại các trường đại học như mở hội thảo, mở các lớp đào tạo để tại cơ hội cho các sinh viên tiềm năng.
Ông Kim Huat Ooi, đại diện Intel Vietnam chia sẻ, tầm nhìn của họ là tạo ra tương lai thông qua các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Chiến lược phát triển hiện tại của Intel Vietnam tập trung vào sự đổi mới trong sản xuất thông minh và đang tiến tới tự động hóa trong tương lai. Doanh nghiệp này đang phát huy tài nguyên và năng lực trong phát triển cơ sở dữ liệu, chiến lược cơ bản và hệ sinh thái hỗ trợ của các chuyên gia và mạng lưới rộng lớn.
Ở panel về Giáo dục và đổi mới sáng tạo, các diễn giả cũng đã dành thời gian để bàn thảo về các vấn đề về môi trường, công nghệ mà VN đang đối mặt, đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai để thúc đẩy sự đổi mới và giải quyết những thách thức bền vững phức tạp, mở và không giới hạn, các ý tưởng về đẩy mạnh nghiên cứu toàn cầu cho tương lai…