Xu hướng Marketing xanh là gì? Các yếu tố cốt lõi

13/11/2024

Marketing xanh là một trong những xu hướng đang rất phổ biến trong những năm gần đây và nó có tác động sâu sắc tới nhận thức của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng ta cần nắm rõ xu hướng và các yếu tố cốt lõi của Marketing xanh nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị hiệu quả. 

xu-huong-marketing-xanh-la-gi-cac-yeu-to-cot-loi-anh-1.jpg

Marketing xanh đang cho thấy sự nổi trội ở nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, thời trang, điện tử, công nghệ

Khái niệm Marketing xanh

Marketing xanh hay Tiếp thị xanh là sự liên kết mạnh mẽ giữa nhận thức bảo vệ với môi trường trong quá trình Marketing cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Hay nói cách khác, lợi ích của Marketing xanh phải gắn liền với lợi ích của môi trường và mang lại sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong thời đại thông tin phát triển nhanh chóng, người tiêu dùng lại càng chú trọng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, chính vì vậy mà tiếp thị xanh đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến, được công chúng đón nhận. 

Hiện nay, Marketing xanh đang cho thấy sự nổi trội ở nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, thời trang, điện tử, công nghệ. Những chuyển biến trên được thể hiện bằng việc các doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng các thành phần, nguyên liệu hữu cơ, an toàn với môi trường và không thử nghiệm trên động vật như: vải cotton hữu cơ, giấy kraft, mỹ phẩm thuần chay,… đi kèm với các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường. 

xu-huong-marketing-xanh-la-gi-cac-yeu-to-cot-loi-anh-2.jpg

Marketing xanh đã xuất hiện từ năm 1990 nhưng từ năm 2020 chúng mới trở nên phổ biến tại Việt Nam

Tại sao Marketing xanh trở thành xu hướng

Tiếp thị xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và tối ưu hoá quy trình sản xuất, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, thông qua các chiến lược tiếp thị, doanh nghiệp có thể thúc đẩy tiêu dùng xanh và nâng cao nhận thức của người dùng về bảo vệ môi trường. Đối với xã hội, Marketing xanh còn đóng góp cho sự phát triển bền vững và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Chính vì vai trò thiết thực này mà Marketing xanh đã trở thành xu hướng. 

Marketing xanh đã xuất hiện từ năm 1990 nhưng từ năm 2020 chúng mới trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo phân tích của các chuyên gia thì hiện nay có hai nguyên nhân chính tạo nên xu hướng Tiếp thị xanh ở Việt Nam: yêu cầu chuyển đổi năng lượng và sự thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Theo báo cáo của EPC PC1 năm 2022, hiện nay, nguồn năng lượng năng lượng hóa thạch như than đá và dầu mỏ, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Trong khi đó các năng lượng tái tạo và tự nhiên chỉ chiếm 15,4% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Cũng theo báo cáo của Unicef vào năm 2022, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường đang là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. 

Sự phát triển của truyền thông và thương mại điện tử cũng tác động rất lớn tới việc hình thành thói quen tiêu dùng xanh cho người xem. Những chiến dịch truyền thông được thực hiện với Tiếp thị xanh sẽ giúp người xem thay đổi tư duy, chú trọng hơn tới thành phần, nguyên liệu và thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Sự thay đổi này cũng là động lực để các nhà kinh tế và các doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. 

xu-huong-marketing-xanh-la-gi-cac-yeu-to-cot-loi-anh-3.jpg

Để xây dựng thành công chiến dịch Marketing xanh, các doanh nghiệp cần biết và tuân thủ 5 yếu tố cốt lõi

Các yếu tố cốt lõi của Marketing xanh 

Để xây dựng thành công chiến dịch Marketing xanh, các doanh nghiệp cần biết và tuân thủ 5 yếu tố cốt lõi, bao gồm: Thiết kế xanh, Định vị thương hiệu xanh, Chiến lược giá cả, Hoạt động logistic xanh và Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Thiết kế xanh

Thiết kế xanh là việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng. Điều này bao gồm việc lựa chọn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tạo ra các sản phẩm có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học. Mục tiêu của thiết kế xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. 

Để áp dụng thiết kế xanh, các doanh nghiệp cần phải xác định các yếu tố về thành phần, sản phẩm và bao bì nhằm lựa chọn nguyên vật liệu phù hợp và vận dụng quy trình sản xuất phù hợp. Ví dụ: doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nên tận dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại chỗ, sử dụng bao bì giấy có thể tái chế và áp dụng quy trình 5S để tận dụng tối đa nguồn lực. 

Định vị thương hiệu xanh

Định vị thương hiệu xanh là việc xây dựng hình ảnh và truyền tải thông điệp rõ ràng, nhất quán về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Trong thời đại mà vấn đề về môi trường đang rất cấp thiết thì việc định vị thương hiệu xanh sẽ giúp khách hàng an tâm hơn trong tiêu dùng, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững. 

Chiến dịch truyền thông và thông điệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất của định vị thương hiệu bởi chỉ khi thông điệp đủ mạnh và rõ ràng thì các hoạt động khác của doanh nghiệp mới nhất quán. Đối với thương hiệu xanh, thông điệp của doanh nghiệp cần khơi gợi lên hành động của người mua về bảo vệ môi trường thông qua các chiến dịch truyền thông như thu gom chai nhựa đổi quà hoặc lập quỹ cứu trợ động vật,… Điều này sẽ có tác động lớn tới nhận thức của người dùng về giá trị doanh nghiệp mang lại cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng xanh cho khách hàng. 

Chiến lược giá cả

Giá cả luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cạnh tranh của doanh nghiệp. Để xây dựng chiến lược giá cả, doanh nghiệp cần khảo sát tiêu dùng, thu nhập trung bình và mức giá của đối thủ nhằm xác định phân khúc giá cả phù hợp cho doanh nghiệp của mình. 

Ngoài ra, doanh nghiệp nên có các mức giá ưu đãi dành cho nhà phân phối lớn hoặc mua số lượng lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tận dụng các ngày lễ lớn để xây dựng chiến lược giảm giá, kích thích nhu cầu mua sắm, gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp. 

xu-huong-marketing-xanh-la-gi-cac-yeu-to-cot-loi-anh-4.jpg

Marketing xanh hiện đang là xu hướng mới và phổ biến trong những năm gần đây

Hoạt động Logistics xanh

Logistics được hiểu là quá trình quản lý các nguồn lực và là khâu trung gian để vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng. Để hoạt động này diễn ra an toàn với môi trường hơn, các doanh nghiệp cần áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thiểu chất thải như mô hình 5S, mô hình cMGP. 

Bên cạnh đó, trong hoạt động vận chuyển, doanh nghiệp cũng cần phải vận dụng các phương tiện vận tải ít gây ảnh hưởng tới môi trường, tối ưu hoá các tuyến đường vận chuyển và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. 

Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường

Một vòng đời của sản phẩm thường bao gồm giai đoạn: Thiết kế và phát triển, Sản xuất, Phân phối, Sử dụng và Tái chế. Để đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường, doanh nghiệp nên sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thiết kế tối giản, sử dụng bao bì có khả năng tái chế hoặc phân huỷ sinh học. Trong quá trình vận chuyển, sản phẩm cũng cần được đóng gói tối giản và tối ưu hoá tuyến đường. 

Để sản phẩm có vòng đời đáp ứng các tiêu chí của Marketing xanh, các doanh nghiệp cần đáp ứng đủ 3 tiêu chí như: Reduce (giảm thiểu nguyên liệu đầu vào), (Reuse) sử dụng hộp đựng nhiều lần, (Recycle) có khả năng tái chế thành một sản phẩm khác.

Học Marketing tại VinUni

Marketing xanh hiện đang là xu hướng mới và phổ biến trong những năm gần đây, tuy vậy, để có thể theo kịp các tiêu chí của xu hướng này thì trước tiên ta cần nắm vững kiến thức căn bản của ngành Marketing. Nếu bạn đang có hứng thú với ngành Marketing nhưng đang còn phân vân trong việc chọn trường đại học thì đừng ngần ngại mà hãy tìm hiểu về ngành Marketing tại VinUni nhé. 

Tại trường Đại học VinUni, Marketing là một trong sáu chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình cử nhân thuộc viện Kinh doanh Quản trị. Khi theo học ngành này tại VinUni, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm chương trình học Marketing chuẩn quốc tế do hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania. Đồng thời, bạn sẽ được hướng dẫn bởi đội ngũ giảng viên đến từ 14 quốc gia trên thế giới, từ đó đem lại nhiều kiến thức thú vị về Marketing trên thế giới. Ngoài ra, khi học tập tại VinUni, bạn sẽ được học tập trong môi trường có cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất Việt Nam, giúp bạn phát triển toàn diện về lý thuyết và thực hành. 

Học Marketing tại VinUni, bạn còn có cơ hội học tập và nghiên cứu cùng các giảng viên ngay từ năm nhất nhằm có thêm kinh nghiệm và trải nghiệm trước khi chính thức tham gia thị trường lao động. VinUni cũng là đối tác lớn của Ernst & Young Việt Nam, Bệnh viện Quân y 108, Vinmec, Viện VinBigData, HMS và nhiều đối tác khác, do đó, bạn sẽ không phải lo lắng về cơ hội thực tập cũng như việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, nếu có dự định học tập và làm việc tại nước ngoài, bạn cũng có thể tham gia chương trình du học, trao đổi sinh viên của VinUni với nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,…

xu-huong-marketing-xanh-la-gi-cac-yeu-to-cot-loi-anh-5.jpg

Khi theo học ngành Marketing tại VinUni, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm chương trình học chuẩn quốc tế

Để trở thành sinh viên ngành Marketing tại VinUni, bạn có thể tham gia Kỳ tuyển sinh sớm (15/10/2024 – 15/01/2025), Kỳ tuyển sinh thường (15/02 – 15/05/2025) hoặc Kỳ tuyển sinh cuốn chiếu (15/06 – 15/08/2025). Bạn có thể truy cập vào trang tuyển sinh của trường và hoàn thành mẫu đơn xét tuyển trực tuyến sau: https://admissions.vinuni.edu.vn/vi/trang-chu/. Bạn có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên trang tuyển sinh của VinUni và có cơ hội được xét duyệt sớm hơn, làm giảm bớt gánh nặng ôn thi THPT cho bạn. 

Những yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như nhận thức của người tiêu dùng ngày càng nâng cao, xu hướng Marketing xanh ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người đón nhận. Để bắt kịp xu hướng này, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, tối ưu hoá quá trình sản xuất và giảm thiểu chất thải. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới các yếu tố về bao bì để có thể tái chế, tái sử dụng và làm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, từ đó có thể phát triển bền vững và để lại dấu ấn thương hiệu xanh đối với người dùng.

Banner footer