Viện Tâm lý học: Chức năng và nhiệm vụ

11/09/2023

Viện Tâm lý học trực thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam – là nơi tổ chức nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Tâm lý học cơ bản nhằm góp phần phát triển lý luận của Tâm lý học ở nước ta, cung cấp những căn cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách phát triển đất nước và tâm lý học Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn khoa học và tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học tâm lý. Cùng tìm hiểu trong bài về chức năng và nhiệm vụ của Viện Tâm lý học.

Sự hình thành Viện Tâm lý học

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, cũng như trưởng thành trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Viện Tâm lý học đã ra đời theo Nghị định 23/CP của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 22/5/1993 về việc thành lập Trung tâm KHXH & NVQG.

Sự ra đời của Viện Tâm lý học đã đánh dấu một chặng đường phát triển cả về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học và sự phát triển về cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ nghiên cứu.

Viện Tâm lý học là Trung tâm nghiên cứu đầu ngành về Tâm lý học của đất nước, là cơ sở đào tạo sau đại học về tâm lý học.

vien-tam-ly-hoc-chuc-nang-va-nhiem-vu-so-1.jpg

Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam

Chức năng và nhiệm vụ của Viện Tâm lý học

Viện Tâm lý học có chức năng và có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu tâm lý học nước ta, cụ thể như sau:

Chức năng của Viện Tâm lý học

Viện Tâm lý học có chức năng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, dự báo về những vấn đề lý luận và thực tiễn của tâm lý học ở Việt Nam, so sánh với tâm lý học trong khu vực và thế giới, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước và phát triển của tâm lý học Việt Nam; tham gia tư vấn khoa học, tư vấn chính sách và ứng dụng tâm lý học vào thực tiễn cuộc sống; tham gia đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học tâm lý.

Nhiệm vụ của Viện Tâm lý học

Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tâm lý học Việt Nam và thế giới. Trong đó tập trung nghiên cứu các hiện tượng tâm lý cơ bản, nổi trội nẩy sinh trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước; các vấn đề tâm lý của các nhóm xã hội (nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, các nhóm lứa tuổi, các dân tộc, các tôn giáo, các cộng đồng người…); tác động của văn hóa tới hành vi, ứng xử của con người Việt Nam; xây dựng và thích nghi thang đo tâm lý, sức khỏe thể chất, tinh thần của con người; các vấn đề tâm lý liên quan đến giáo dục, đào tạo, quản lý, hành vi tổ chức, lao động, hôn nhân, gia đình, kinh tế, pháp luật… Dự báo những thay đổi và biến động tâm lý con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, Viện còn các nhiệm vụ như:

  • Triển khai và ứng dụng tâm lý học vào giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội; Tổ chức thực hiện và tham gia tư vấn, trị liệu, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao kiến thức, kỹ năng tâm lý.
  • Kết hợp nghiên cứu với đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực tâm lý học, tham gia đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm và của các đơn vị có nhu cầu.
  • Góp ý và phản biện các chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội dưới góc độ tâm lý học theo yêu cầu Viện Hàn lâm, của các bộ, ban, ngành, địa phương.
  • Tham gia và hợp tác quốc tế về nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao và thực hiện các hoạt động ứng dụng tâm lý học với các tổ chức quốc tế, các viện, các trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật.
  • Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; xuất bản các ấn phẩm khoa học, phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá các kiến thức khoa học tâm lý tới quảng đại quần chúng.
  • Quản lý về tổ chức nhân sự, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; quản lý tài sản và kinh phí của Viện Tâm lý học theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm.
vien-tam-ly-hoc-chuc-nang-va-nhiem-vu-so-2.jpg

Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tâm lý học Việt Nam và thế giới là nhiệm vụ cao cả của Viện Tâm lý học Việt Nam.

Những thành tựu nghiên cứu của Viện Tâm lý học

Trong quá trình hình thành và phát triển, Viện Tâm lý học đã triển khai một số hướng nghiên cứu, trong đó có những hướng đi mới và đã đạt được một số kết quả nhất định:

Tâm lý học xã hội: Tâm lý học xã hội là một hướng nghiên cứu trọng tâm và được tiến hành sớm trong quá trình phát triển của Viện, vì phân ngành tâm lý học xã hội nước ta còn rất mới mẻ, các vấn đề lý luận cơ bản cũng chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, những biến đổi về kinh tế – xã hội do công cuộc đổi mới đất nước đem lại đã tạo nên những thay đổi lớn và đa dạng về tâm lý của các tầng lớp dân cư. Những thay đổi tâm lý này tác động đến đời sống xã hội, trước hết là tác động đến nhận thức, tình cảm và hành vi của con người theo cả 2 chiều hướng: Tích cực và tiêu cực. Việc chỉ ra các yếu tố tâm lý xã hội có ảnh hưởng tích cực và những yếu tố tâm lý xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội là nhiệm vụ cấp bách và cơ bản của Viện Tâm lý học.

Tâm lý học gia đình và lứa tuổi: Cùng với việc biến đổi về kinh tế – xã hội của đất nước, sự biến đổi về mặt tâm lý của gia đình cũng diễn ra khá rõ nét. Việc nghiên cứu sự biến đổi tâm lý của gia đình là một nhiệm vụ quan trọng của khoa học tâm lý. Điều này xuất phát từ vai trò to lớn của gia đình trong đời sống xã hội, đặc biệt trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Tâm lý học quản lý: Trong những năm gần đây, một phân ngành tâm lý học mới được xã hội, những người nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học quan tâm là tâm lý học quản lý.

Tâm lý học dân tộc và tôn giáo: Trong những năm gần đây, vấn đề dân tộc và tôn giáo đã trở thành những vấn đề rất bức xúc ở nhiều quốc gia trên thế giới, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xã hội. Ở nước ta hai vấn đề này đã và đang bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Do vậy, hai vấn đề dân tộc và tôn giáo được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Từ góc độ của khoa học tâm lý, Viện Tâm lý học đã tiến hành một số nghiên cứu lý luận và thực tiễn về dân tộc và tôn giáo. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã bước đầu xây dựng cơ sở lý luận cơ bản của hai phân ngành tâm lý học mới mẻ này.

Tư vấn và trị liệu tâm lý: Đây là hướng nghiên cứu mới của Viện Tâm lý học, song nó đang hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

Tạp chí Tâm lý học: Từ năm 1996, Tạp chí Tâm lý học của Viện đã chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là Tạp chí chuyên ngành duy nhất của giới tâm lý học nước nhà, là cơ quan ngôn luận không chỉ của Viện Tâm lý học, mà là của chung giới tâm lý học Việt Nam.

Hy vọng qua bài viết trên, VinUni đã mang đến bạn những thông tin hữu ích về Viện Tâm lý học tại nước ta. Từ đó thấy được sự phát triển của ngành cũng như những chức năng và nhiệm vụ lớn lao của ngành Tâm lý học đối với sự phát triển của Đất nước. Từ đó, làm tiền đề củng cố niềm đam mê của bạn với ngành Tâm lý học hơn.

vien-tam-ly-hoc-chuc-nang-va-nhiem-vu-so-3.jpg

Đại học VinUni là một lựa chọn lý tưởng để theo học ngành Tâm lý học.

Nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường học tập đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và chuẩn mực cao trong lĩnh vực Tâm lý học, trường Đại học VinUni là một lựa chọn lý tưởng. Chương trình Cử nhân Tâm lý học tại Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng của VinUni, được xây dựng với sự hợp tác từ hai trường đại học danh tiếng như Cornell và Pennsylvania. 

Mục tiêu của chương trình là đào tạo những chuyên gia Tâm lý học có kiến thức sâu rộng và kỹ năng cần thiết để thành công trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với nền tảng lý thuyết vững chắc, kiến thức ứng dụng phong phú, cùng với cơ hội thực tập và phát triển kỹ năng liên ngành, sinh viên VinUni sẽ được trang bị đầy đủ để đối mặt và giải quyết những thách thức xã hội, đồng thời xây dựng sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực Tâm lý học.

Banner footer