Tổng quan về Tâm lý học truyền thông
Ngày nay, lĩnh vực truyền thông số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, dẫn theo đó là hằng hà những thông tin, hình ảnh sai lệch, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân và xã hội. Chính vì thế Tâm lý học truyền thông ra đời mang đến những phân tích sâu sắc cho chúng ta hiểu được cách thức truyền thông và công nghệ tác động lên con người.
Tâm lý học truyền thông là gì?
Tâm lý học truyền thông là một nhánh thuộc Tâm lý học, chuyên nghiên cứu về cách con người nhìn nhận và sử dụng các phương tiện truyền thông, cũng như cách nó tác động lên suy nghĩ, cảm xúc và hành vi con người.
Tâm lý học truyền thông chứa đựng khá nhiều kiến thức từ Tâm lý học và chuyên ngành truyền thông. Nó cũng được kết hợp từ các nghiên cứu của lĩnh vực khác như xã hội học, nhân chủng học, nghiên cứu về truyền thông, nghiên cứu về hiện tượng fan cuồng,…
Một số chủ đề phổ biến trong Tâm lý học truyền thông là: Tác động truyền thông lên nhận thức và hành vi cá nhân; Truyền thông và nhận thức xã hội; Truyền thông và cảm xúc; Cách tương tác thông qua phương tiện truyền thông.
Vai trò của Tâm lý học truyền thông đối với cá nhân và xã hội
Tâm lý học truyền thông đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời, có tầm ảnh hưởng to lớn đến đời sống cá nhân và xã hội.
- Hiểu được sự tác động của truyền thông
Các nhà nghiên cứu có thể hiểu được cách phương tiện truyền thông tác động đến con người thông qua việc theo dõi, xem xét cách quảng cáo tác động đến người tiêu dùng, cách nội dung truyền thông định hình thái độ và niềm tin xã hội.
- Phát triển chiến lược Marketing hiệu quả
Sau khi xem xét cách con người tiếp nhận và phản ứng với thông điệp truyền thông, các chuyên gia có thể dựa vào đó mà phát triển nội dung truyền thông hiệu quả hơn. Điều này vô cùng quan trọng vì trong quảng cáo, tiếp thị việc truyền tải thông điệp một cách thuyết phục là yếu tố tiên quyết.
- Giáo dục và nâng cao nhận thức
Tâm lý học truyền thông được sử dụng để xây dựng các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề xã hội, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần, giáo dục giới tính và phòng chống bạo lực. Với những chiến dịch phát triển dựa theo kiến thức Tâm lý học truyền thông sẽ mang lại kết quả khả quan hơn, góp phần thay đổi hành vi và thái độ của cộng đồng.
- Đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông
Nhờ kiến thức ở lĩnh vực Tâm lý học này mà chúng ta có thể giải quyết những vấn nạn truyền thông phổ biến hiện nay. Từ các nội dung bạo lực học đường, bạo lực mạng, phân biệt đối xử, lừa đảo đến các vấn đề tình dục,… Thông qua đó, đề ra các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chẳng hạn: hướng dẫn mọi người cách xem xét và đánh giá nội dung một cách có phê phán, phải biết tìm hiểu rõ nguyên nhân nguồn gốc vấn đề trước khi lên án và học cách tôn trọng cá tính, quyền riêng tư mỗi người.
Phương pháp nghiên cứu nổi bật
Phương pháp nghiên cứu trong tâm lý học truyền thông rất đa dạng, nổi bật trong số đó có phương pháp định lượng và định tính.
- Phương pháp định lượng – Quantitative Research
Mục đích nghiên cứu: Đo lường các hiện tượng bằng cách sử dụng dữ liệu có thể định lượng được. Chẳng hạn như số liệu thống kê, tỷ lệ phần trăm, hoặc tần suất để nghiên cứu thái độ và phản ứng của con người.
Phương pháp nghiên cứu: Khảo sát, thí nghiệm, phân tích thống kê, phân tích thứ cấp
Ưu điểm: Nghiên cứu trên diện rộng nên kết quả mang tính khách quan, dữ liệu dễ dàng đo lường và phân tích.
Hạn chế: Thiếu cái nhìn sâu sắc do phạm vi câu hỏi không cho phép người tham gia diễn đạt đầy đủ quan điểm hoặc cảm xúc.
- Phương pháp định tính: Qualitative Research
Mục đích: Hiểu sâu về các trải nghiệm, quan điểm, và quá trình suy nghĩ của con người liên quan đến truyền thông.
Phương pháp nghiên cứu: Phỏng vấn nhóm, phỏng vấn tập trung, quan sát hành vi và tương tác, phân tích tài liệu và câu chuyện để hiểu sâu sắc về một chủ đề
Ưu điểm: Cung cấp cái nhìn chi tiết và toàn diện về một chủ đề, có thể linh hoạt tùy chỉnh nghiên cứu theo quá trình.
Hạn chế: Do phạm vi nghiên cứu nhỏ nên không thể áp dụng cho môi trường rộng lớn. Kết quả nghiên cứu thường bị ảnh hưởng do mang tính chủ quan của người diễn giải dữ liệu. Đồng thời việc thu thập, phân tích dữ liệu cũng tốn rất nhiều thời gian.
- Khảo sát – Survey Research
Mục đích: Thu thập dữ liệu về thái độ, niềm tin, cách hành động của họ trong phạm vi dân số lớn.
Phương pháp: Sử dụng bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn để thu thập dữ liệu từ người tham gia. Các khảo sát có thể được thực hiện qua điện thoại, email hoặc phương pháp trực tuyến.
Ưu điểm: Có thể thu thập dữ liệu từ một số lượng lớn người trong thời gian ngắn và chi phí thấp.
Hạn chế: Dữ liệu thu được thường mang tính mô tả hơn và có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị của người trả lời.
- Nghiên cứu từng trường hợp – Case Study
Mục đích: Điều tra chi tiết về một hiện tượng, sự kiện hoặc từng cá nhân trong bối cảnh thực tế.
Phương pháp: Sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau như phỏng vấn, quan sát và sử dụng tài liệu để nghiên cứu một trường hợp cụ thể.
Ưu điểm: Cho phép đi sâu vào một vấn đề cụ thể và hiểu rõ ngữ cảnh.
Hạn chế: Khó áp dụng kết quả từ một trường hợp riêng lẻ cho các tình huống khác.
Tóm lại, dù ở bất kì ngành nghề nào thì việc nắm được kiến thức của Tâm lý học truyền thông là không bao giờ dư thừa. Khi môi trường truyền thông số ngày càng nâng “level” thì lĩnh vực tâm lý học truyền thông cũng đang không ngừng mở rộng, bao gồm cả nghiên cứu về thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ truyền thông mới.
Chính vì những kiến thức phong phú và lợi ích mang lại mà ngành Tâm lý học đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Nắm chắc được xu hướng này, hiện nay đã có nhiều trường đại học triển khai chương trình giảng dạy ngành Tâm lý học, tiêu biểu trong đó có trường Đại học VinUni.
Chương trình Cử nhân Tâm lý học thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng. Khi theo học tại đây, trường mong muốn đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn có sự phát triển toàn diện, có kiến thức, kỹ năng và khả năng để theo đuổi sự nghiệp thành công trong ngành tâm lý học trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường tự hào khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania. Tất cả các yếu tố: chương trình giảng dạy, nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất,… đều được phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của các tổ chức kiểm định và xếp hạng hàng đầu thế giới.
Đến với ngành Tâm lý học của VinUni, sinh viên sẽ được trang bị nền tảng lý thuyết và kiến thức ứng dụng về tâm lý học để phát triển sự hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của con người, khả năng đánh giá chuyên môn về trạng thái tinh thần và tiến hành các nghiên cứu liên quan trong các lĩnh vực tâm lý học xã hội, tâm lý học học đường và tâm lý học tổ chức và kinh doanh.