Tổng hợp 8 chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên
Điều dưỡng viên là vị trí không thể thiểu trong hệ thống y tế hiện đại ngày nay. Bên cạnh kiến thức chuyên môn vững chắc, công việc này cũng đặt ra yêu cầu rất cao liên quan đến yếu tố đạo đức. Bài viết sau sẽ chia sẻ chi tiết các chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên trong thời điểm hiện tại.
Tìm hiểu chung về công việc điều dưỡng viên
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là nội dung quan trọng mà bạn cần hiểu rõ nếu muốn theo đuổi công việc này. Bởi lẽ điều dưỡng viên là những người trực tiếp chăm sóc, theo dõi sức khỏe và hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Một số nhiệm vụ chính của vị trí này là:
- Thực hiện các kỹ thuật y tế như tiêm, truyền, thay băng, đặt thông…
- Ghi chép các thay đổi trong tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và báo cáo cho bác sĩ.
- Tham gia vào quá trình hội chẩn, lên kế hoạch điều trị đồng thời thực hiện các chỉ định của bác sĩ.
- Hướng dẫn và giáo dục bệnh nhân về cách chăm sóc sức khỏe, quản lý bệnh tật, phòng ngừa bệnh tật và sử dụng thuốc đúng cách.
- Tiến hành các biện pháp sơ cứu hoặc hỗ trợ bác sĩ trong các trường hợp cấp cứu.
- Đảm bảo các thiết bị và dụng cụ y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng sử dụng, khử trùng và duy trì môi trường y tế sạch sẽ, an toàn.
- Thực hiện các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng.
- Tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học về điều dưỡng.
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên
Dưới đây là một số chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên mà bạn cần ghi nhớ:
Bảo đảm an toàn cho người bệnh
Chuẩn đạo đức nghề nghiệp “Bảo đảm an toàn cho người bệnh” đòi hỏi điều dưỡng viên phải tuân thủ các quy tắc chuyên môn, thực hiện đúng quy trình chăm sóc và luôn đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu. Cụ thể, điều dưỡng viên phải thực hiện các quy trình y khoa theo đúng hướng dẫn và quy định để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ví dụ, họ cần phải thực hiện tiêm thuốc, truyền dịch, chăm sóc vết thương theo các tiêu chuẩn y khoa, tránh sai sót có thể gây hại cho người bệnh.
Ngoài ra vị trí này cũng có nhiệm vụ nhận diện, đánh giá và giảm thiểu các nguy cơ gây hại cho bệnh nhân. Điều này bao gồm việc nhận thức được các yếu tố nguy cơ như té ngã, nhiễm trùng, và các tình huống khẩn cấp. Họ phải liên tục giám sát và can thiệp kịp thời khi phát hiện rủi ro. Trong các tình huống khẩn cấp như ngừng tim, suy hô hấp hoặc các tai biến y khoa khác, điều dưỡng viên phải có khả năng xử lý nhanh chóng và chính xác để bảo vệ sự sống của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi họ cần có kỹ năng sơ cứu tốt và biết cách phối hợp với các nhân viên y tế khác.
Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh
Nguyên tắc “Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh” là một trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà mỗi điều dưỡng viên cần tuân thủ. Khi người bệnh và gia đình cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ tin tưởng vào quá trình điều trị và hợp tác chặt chẽ với đội ngũ y tế. Vì vậy, điều dưỡng viên cần dành thời gian lắng nghe những lo lắng, băn khoăn của bệnh nhân và gia đình, đồng thời cố gắng thấu hiểu cảm xúc của họ. Vị trí này cũng có nhiệm vụ giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân bằng ngôn ngữ dễ hiểu cũng như tôn trọng quyền được biết, quyền được lựa chọn và quyền từ chối điều trị của bệnh nhân.
Thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh
Khi bắt đầu công việc, điều dưỡng viên cần giới thiệu tên và chào hỏi bệnh nhân cũng như người nhà một cách thân thiện và tôn trọng. Hành động này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn tạo ra một sự kết nối ngay từ đầu, giúp bệnh nhân cảm thấy an toàn, được quan tâm hơn. Điều dưỡng viên cần thể hiện sự lắng nghe chân thành đối với các câu hỏi, lo lắng, và cảm xúc của bệnh nhân cũng như người nhà.
Đáp lại một cách ân cần và lịch sự với cử chỉ tôn trọng không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ tốt mà còn đảm bảo rằng mọi yêu cầu của bệnh nhân đều được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, điều dưỡng viên không chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ bản mà còn giúp bệnh nhân giảm nhẹ đau đớn, cả về thể chất lẫn tinh thần, do bệnh tật, phẫu thuật, hoặc các thủ thuật y tế. Điều này có thể bao gồm việc đưa ra các lời khuyên, chăm sóc chu đáo và áp dụng các kỹ thuật giảm đau.
Trung thực trong khi hành nghề
Trung thực là một trong những giá trị cốt lõi trong chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Cụ thể, vị trí này cần báo cáo chính xác về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kết quả điều trị và các sự cố xảy ra trong quá trình chăm sóc. Điều dưỡng viên phải thông tin cho bệnh nhân và người nhà một cách trung thực, rõ ràng và dễ hiểu về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị và các lựa chọn điều trị. Đặc biệt, điều dưỡng viên cần thực hiện quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc, vật tư y tế đúng liều lượng và đúng cách.
Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề
Y học là một lĩnh vực thay đổi và phát triển không ngừng, với nhiều tiến bộ trong kỹ thuật chăm sóc và phương pháp điều trị. Do đó, điều dưỡng viên cần thường xuyên cập nhật những kiến thức mới về chăm sóc y tế, công nghệ y khoa và các hướng dẫn mới từ các cơ quan y tế. Họ cũng nên tham gia các khóa học, hội thảo cùng một số chương trình đào tạo nâng cao để học hỏi và phát triển chuyên môn. Ngoài kỹ năng chuyên môn, điều dưỡng viên cũng cần phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm và xử lý các tình huống khó khăn.
Tự tôn nghề nghiệp
Một điều dưỡng viên đúng mực cần biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và đồng nghiệp nếu có ai đó làm tổn hại đến danh dự của nghề. Điều dưỡng viên cần luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, thực hiện công việc một cách chu đáo, cẩn thận và đảm bảo tuân thủ mọi quy định về an toàn y tế, đạo đức nghề nghiệp. Thêm vào đó, một trong những nguyên tắc cốt lõi của nghề điều dưỡng là không được phép nhận bất kỳ khoản tiền hoặc lợi ích nào từ bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân để đổi lấy sự ưu tiên trong việc chăm sóc.
Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp
Môi trường y tế thường đòi hỏi sự hợp tác giữa các điều dưỡng viên và các chuyên gia y tế khác. Việc thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp, không chỉ trong cách giao tiếp mà còn trong việc hỗ trợ công việc của nhau, giúp tạo ra môi trường làm việc hài hòa, nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân. Điều dưỡng viên cần học cách giải quyết các mâu thuẫn với đồng nghiệp một cách chuyên nghiệp và xây dựng, thông qua đối thoại cởi mở, lắng nghe quan điểm của nhau và tìm giải pháp chung.
Cam kết với cộng đồng và xã hội
Điều dưỡng viên không chỉ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện mà còn tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe cho mọi người. Vị trí này yêu cầu nhân sự luôn sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời họ cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng cùng một số chương trình tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa để khám bệnh, phát thuốc miễn phí.
Nên theo học ngành Điều dưỡng ở đâu?
Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng thuộc Viện Khoa học sức khỏe của trường Đại học VinUni hiện là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ khi đăng ký nguyện vọng. Khóa học này được thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu của ngành y tế hiện đại. VinUni trang bị đầy đủ các thiết bị mô phỏng hiện đại, giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng thực hành lâm sàng như: tiêm, truyền, đặt catheter, chăm sóc vết thương, hồi sức cấp cứu,…
Thư viện sở hữu một lượng lớn sách, tài liệu, tạp chí chuyên ngành về điều dưỡng, giúp người học tìm kiếm thông tin và tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Sinh viên tại VinUni được học tập trong một môi trường thân thiện, cởi mở, đồng thời tham gia vào các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa để phát triển các kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ. Cử nhân ngày Điều dưỡng của trường cũng có cơ hội thực tập tại các bệnh viện liên kết với VinUni nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế và rèn luyện kỹ năng chuyên môn.
Bài viết trên đã chia sẻ chi tiết 8 chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên trong thời điểm hiện tại. Theo học ngành Điều dưỡng tại VinUni sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị cùng cơ hội để phát triển bản thân. Nếu bạn đam mê ngành y và muốn cống hiến cho cộng đồng thì đừng bỏ qua sự lựa chọn này nhé!