Tâm lý học giao tiếp là gì? Cách vận dụng vào cuộc sống

05/09/2023

Tâm lý học giao tiếp là một nhánh của tâm lý học nghiên cứu về quá trình tương tác giữa con người và hiện đang trở thành bộ môn được rất nhiều người quan tâm. Vậy Tâm lý học giao tiếp là gì và cách vận dụng yếu tố này vào cuộc sống ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau. 

Tìm hiểu chung về Tâm lý học giao tiếp

Trước khi phân tích Tâm lý học giao tiếp là gì, ta cần phải hiểu về giao tiếp và bản chất của quá trình này. Giao tiếp được hiểu là quá trình tác động qua lại, trao đổi thông tin, ảnh hưởng lẫn nhau, nhận biết lẫn nhau giữa hai chủ thể giao tiếp. Giao tiếp còn là quá trình nói, nghe và trả lời để chúng ta có thể hiểu và phản ứng với nhau trải qua nhiều mức độ, từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp. Giao tiếp xuất hiện trong mọi hoạt động thực tiễn của con người từ vui chơi, học tập hay lao động,… Do sự tương tác thông tin lẫn nhau trong quá trình giao tiếp, còn người cũng có tâm lý và hành vi ứng xử trước các tình huống khác nhau nên giao tiếp đã sớm trở thành một đề tài nghiên cứu được nhiều nhà Tâm lý học quan tâm. 

tam-ly-hoc-giao-tiep-la-gi-cach-van-dung-vao-cuoc-song-anh-1

Tâm lý học giao tiếp là một nhánh của tâm lý học nghiên cứu về quá trình tương tác giữa con người

Tâm lý học giao tiếp chỉ là một trường phái nhỏ trong toàn bộ nội dung của ngành, chúng tập trung nghiên cứu về cách thức giao tiếp của con người, từ đó phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tốt như ngôn ngữ, văn hoá, xung đột, giáo dục,… và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp. Ngoài ra, bộ môn này còn phân biệt từng nhóm tính cách nhất định theo những điểm chung khi giao tiếp của họ, nhờ đó, ta có thể phán đoán được hành động và quyết định của đối phương. Trong cuộc sống hiện đại, con người càng chăm chút vào sức khoẻ tinh thần và quan tâm tới các thủ thuật tâm lý nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt hơn. Do vậy mà Tâm lý học giao tiếp càng trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm tới. 

Những kiểu tính cách phổ biến trong giao tiếp

Theo cách phân loại của Trung tâm Tương lai thì có 4 nhóm tính cách phổ biến trong giao tiếp dựa trên các đặc điểm về tính cách và cách tương tác của họ với mọi người xung quanh. Các nhóm tính cách này gồm: Người hướng ngoại, Người hướng nội, Người lãnh đạo và Người nhạy cảm. 

Talker – Người hướng ngoại

Đặc trưng tính cách của nhóm người này là rất giỏi ăn nói và thích đứng trung tâm, họ luôn muốn mọi người đều hướng ánh mắt về mình. Do đó, trong giao tiếp thường ngày, họ rất cởi mở và hoà đồng với mọi người, họ có khả năng thích nghi cao và nhiều mối quan hệ xoay quanh. Đối với tương tác nhóm, người hướng ngoại có khả năng hòa nhập tốt và kỹ năng làm việc nhóm tốt, ở họ luôn mang tới năng lượng tích cực và năng động. Chính vì vậy, nếu bạn muốn đạt hiệu quả giao tiếp tốt với nhóm người này, bạn hãy bắt chuyện một cách tự nhiên và tỏ ra hào hứng với câu chuyện của họ, điều này sẽ góp phần khơi gợi khả năng ăn nói cũng như sự tự tin ở kiểu người này, nhờ đó bạn sẽ biết được nhiều thông tin hữu ích hơn. 

Thinker – Người hướng nội 

Người có tính cách hướng nội thường thiên về cảm xúc cá nhân và cảm xúc nội tâm, do đó mà trong giao tiếp thường ngày, họ khá rụt rè và ít nói, các mối quan hệ của họ hầu hết chỉ xoay quanh gia đình và vòng bạn bè thân thiết của mình nên họ hiếm khi mở lòng với người ngoài. Khi tiếp xúc với nhóm người này, bạn cần phải củng cố niềm tin từ đầu và tiếp cận từ từ, bạn hãy tiếp cận họ từ khía cạnh của một người bạn tâm lý, điều này sẽ giúp họ thoải mái với bạn hơn và giúp các vấn đề giao tiếp trở nên hiệu quả hơn. Kiểu người hướng nội không thích sự phiền phức, do đó, bạn nên biết điểm dừng và tránh đặt các câu hỏi vô lý khiến hai bên cảm thấy khó xử. 

tam-ly-hoc-giao-tiep-la-gi-cach-van-dung-vao-cuoc-song-anh-2

Có 4 nhóm tính cách phổ biến trong giao tiếp dựa trên các đặc điểm về tính cách và sự tương tác

Driver – Người lãnh đạo

Một người có khả năng lãnh đạo tốt là người biết lắng nghe và có khả năng truyền đạt một cách súc tích, dễ hiểu. Kiểu người này luôn cho thấy sự trưởng thành và chín chắn thông qua việc ra quyết định và dẫn dắt người khác trong hội nhóm. Do vậy, khi muốn giao tiếp hiệu quả với kiểu người có tính lãnh đạo cao, bạn cần cho họ thấy sự tôn trọng nhất định, đồng thời lắng nghe một cách tích cực nhằm khiến họ cảm thấy những thông tin họ đưa ra có giá trị, từ đó giúp bạn dễ dàng duy trì hiệu quả của cuộc giao tiếp và có được nhiều thông tin thú vị hơn. 

Feeler  – Người nhạy cảm

Nếu như nhóm người lãnh đạo đưa ra quyết định dựa trên lý trí, thì nhóm người nhạy cảm lại ra quyết định dựa trên suy nghĩ và cảm xúc của họ nhiều hơn. Những người này thường để ý nhiều tới cảm xúc và có sự đồng cảm với những người xung quanh. Do đó bạn hãy dùng cử chỉ và hành động lịch sự, tinh tế đồng thời thể hiện sự thiện chí và đồng cảm với những vấn đề họ đang quan tâm. Điều này sẽ giúp học cảm thấy an toàn và thoải mái, từ đó, hiệu quả giao tiếp giữa hai bên cũng tăng lên đáng kể. 

Cách vận dụng Tâm lý học giao tiếp

Để vận dụng các mẹo tâm lý đạt hiệu quả cao hơn, trước tiên, bạn phải luôn giữ thái độ lịch thiệp và nhã nhặn, đồng thời quan sát hành động của đối phương một cách tỉ mỉ nhằm phát hiện ra sở thích hoặc thói quen của họ nhằm tạo ra đề tài giao tiếp thú vị và gắn kết lâu dài. 

Tạo ấn tượng ban đầu tốt

Ấn tượng ban đầu luôn để lại một sự đánh giá sâu sắc cho người đối diện, do đó, bạn cần lưu ý các yếu tố về thời gian, trang phục và thái độ. Trước tiên, khi có cuộc hẹn với đối phương, bạn cần lưu ý đến sớm trước 5 – 10 phút nhằm chuẩn bị không gian và tinh thần một cách chỉnh chu nhằm đạt trạng thái tinh thần tích cực nhất trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Trang phục và kiểu tóc cũng là yếu tố phản ánh con người bạn, do đó, bạn hãy chọn những bộ trang phục lịch thiệp và tinh tế, kiểu tóc gọn gàng sẽ giúp đối phương cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn khi trò chuyện với bạn. Thái độ cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình giao tiếp, bởi nếu bạn cau có, bực bội thì đối phương cũng cảm thấy khó chịu và không muốn tiếp tục nói chuyện với bạn; ngược lại, khi bạn niềm nở và thoải mái thì đối phương cũng dễ chịu hơn và sẵn sàng chia sẻ với bạn những thông tin cần thiết. Do đó, trước khi bắt đầu bất kỳ quá trình giao tiếp nào, bạn hãy chuẩn bị kỹ càng ba yếu tố trên để tạo trạng thái tích cực cho cả hai bên. 

Luôn duy trì sự tập trung

tam-ly-hoc-giao-tiep-la-gi-cach-van-dung-vao-cuoc-song-anh-3

Để đạt hiệu quả giao tiếp tốt bạn cần duy trì sự chú ý bằng những hành động nhỏ như gật đầu, mỉm cười nhẹ

Hãy tưởng tượng, khi bạn đang nói chuyện với một người nhưng họ lại lơ đãng và không chú ý tới câu chuyện của bạn, chắc chắn bạn sẽ mất hứng và không muốn chia sẻ những điều mới lạ với người đối diện. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn, bạn hãy liên tục duy trì sự chú ý bằng những hành động nhỏ như gật đầu, mỉm cười nhẹ hoặc một vài câu nói như: “tôi cũng thế”, “sở thích của bạn thật đặc biệt”, “bạn có thể kể cho tôi nghe về… nó thật thú vị”,… Những hành động này tuy có vẻ đơn giản, song nó lại tạo ra sự kết nối giữa hai người khi trò chuyện và giúp đối phương hào hứng hơn vì nó đánh vào tâm lý hào hứng của đối phương. Khi bạn tỏ ra bạn rất thích câu chuyện của đối phương và dành sự chú ý của mình vào nói, đối phương sẽ cảm thấy câu chuyện của mình rất quan trọng và phải cần kể hết cho người cần nó như bạn, từ đó mà hiệu quả của quá trình giao tiếp cũng được nâng cao một cách đáng kể. 

Hãy quan sát hành động, thói quen của đối phương

Đừng quên theo dõi các hành động và thói quen của đối phương khi trò chuyện vì đôi khi những điều này lại cho bạn biết tâm lý của họ trong cuộc nói chuyện, giúp bạn chủ động hơn khi giao tiếp. Ví dụ, khi bạn nói chuyện với đối phương mà bạn thấy họ đang run rẩy hoặc có biểu hiện bấm tay, mím môi liên tục thì có lẽ là họ đang lo lắng và bối rối. Hoặc nếu đối phương có hành động những mày, khoanh tay và vắt chéo chân thì có thể là họ đang nghi ngờ hoặc dò xét bạn. Dựa trên hành động của đối phương trong giao tiếp, bạn có thể điều chỉnh hành vi và lời nói cho phù hợp, điều này sẽ giúp bạn nâng cao khả năng thuyết phục và làm hài lòng đối phương 

Phụ kiện đi kèm thường phản ánh một phần sở thích và thói quen của người đối diện, do đó, bạn nên quan sát các chi tiết này để gợi ra những chủ đề nói chuyện tiếp theo, giúp cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Ví dụ bạn để ý thấy cô ấy dùng son môi của hãng A, bạn có thể trò chuyện để đánh giá mức độ ưa thích của cô ấy, từ đó bạn có thể cân nhắc tặng các món quà của hãng A vào các dịp đặc biệt của đối phương, điều này sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt và cho thấy sự tinh tế của bạn. 

Hãy yêu cầu hợp lý và biết điểm dừng

tam-ly-hoc-giao-tiep-la-gi-cach-van-dung-vao-cuoc-song-anh-4

Trong cuộc trò chuyện, bạn nên thường xuyên chú ý tới thái độ của đối phương để biết điểm dừng hợp lý

Trong một vài trường hợp, bạn có thể quên mất điểm dừng và đưa ra các yêu cầu vô lý cho người đối diện, điều này sẽ khiến bạn trở nên thô lỗ và kém duyên trong mắt người khác. Do vậy, trong mọi cuộc trò chuyện, bạn nên thường xuyên chú ý tới thái độ của đối phương, nếu đối phương vẫn có tương tác tốt và muốn lắng nghe, thì bạn nên tiếp tục. Ngược lại, nếu đối phương có biểu hiện chán nản và mệt mỏi, bạn cũng nên lịch sự kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách hẹn người đó hôm khác hoặc cảm ơn vì họ đã lắng nghe mình. Điều này sẽ giúp cả hai không bị bối rối và để lại ấn tượng không tốt trong mắt đối phương. Trong các cuộc giao tiếp thông thường, nếu đối phương không muốn trả lời, bạn cũng đừng nên gặng hỏi hoặc bắt ép họ trả lời mà hãy dùng thái độ hoà nhã và hẹn gặp họ vào một ngày khác để được trò chuyện sâu hơn. 

Giữ không gian giao tiếp tích cực 

Việc luôn mỉm cười sẽ giúp bạn để lại ấn tượng và tạo ra không gian tích cực cho buổi trò chuyện, tuy vậy, để duy trì sự tích cực cũng là điều khá khó khăn với các bạn. Trong các cuộc giao tiếp luôn có sự tác động bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh, hoạt động và lời nói của người khác, do vậy, đôi khi sẽ xảy ra những tình huống bạn không lường trước được. Ví dụ, bạn có thể bị va chạm gây đổ nước vào người bạn, lúc này bạn không nên nổi nóng và bất đồng chỉ trích người khác mà hãy khéo léo dùng khăn lau vết nước cùng một vài câu đùa để không khiến không khí giữa hai bên bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một nguyên tắc nữa khi áp dụng tâm lý học giao tiếp đó là hãy dùng những lời khen để nói chuyện với đối phương. Bạn có thể lựa chọn lĩnh vực mà mình tự tin nhất để khen như “chà, màu son của bạn thật đẹp” hoặc “màu sắc của đôi giày này khiến bạn thật nổi bật, tôi rất thích hãng giày này”. Khi bạn hành động như vậy, bạn sẽ không chỉ mở ra đề tài thú vị mà còn khẳng định cho đối phương thấy kiến thức và sự am hiểu của bản thân về họ, từ đó khiến họ thoải mái để đi vào những chủ đề giao tiếp sâu hơn. 

Học Tâm lý học giao tiếp tại VinUni

Trường Đại học VinUni luôn tự hào là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo ngành Tâm lý học tốt nhất. Chương trình học ở đây được thiết kế bởi hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ là đại học Cornell và đại học Pennsylvania, chúng được sắp xếp thành 4 khoá từ nền tảng tới nâng cao gồm: Khoá học Đại cương, Khoá học Nền tảng, Khóa học Chuyên môn: Tâm lý học Tổ chức và Doanh nghiệp và Khóa học Chuyên môn: Tâm lý học Học đường. Khi học Tâm lý học tại VinUni, bạn sẽ được học tập trong hệ thống giảng đường hiện đại, đội ngũ giảng viên đến từ hơn 20 quốc gia cũng sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức và trải nghiệm, nâng cao hiểu biết và kỹ năng của bản thân trong quá trình học tập và nghiên cứu tại trường.

tam-ly-hoc-giao-tiep-la-gi-cach-van-dung-vao-cuoc-song-anh-5

Trường Đại học VinUni tự hào là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo ngành Tâm lý học tốt nhất

Thực tập từ sớm luôn là lợi thế cho sinh viên khi chúng giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ hữu ích trước khi tốt nghiệp. Khi học Tâm lý học tại VinUni, bạn cũng sẽ được tạo cơ hội và kết nối với các doanh nghiệp để có thể đi thực tập từ sớm. Ngoài ra, VinUni cũng có chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, do đó, bạn có thể dễ dàng tham gia chương trình này và học tập tại các quốc gia như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan,… Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho bạn để phát triển bản thân một cách toàn diện và trở thành một cử nhân ngành Tâm lý học chất lượng. 

Bài viết trên đã lý giải khái niệm tâm lý học giao tiếp và cách vận dụng nó hiệu quả trong cuộc sống. Với mỗi kiểu người khác nhau, bạn nên áp dụng cách tiếp cận khác nhau để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt hơn và đạt được mục đích của mình nhé.