Ngành khoa học dữ liệu: những điều bạn nên biết và cơ hội việc làm
Xã hội hiện nay đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ 4.0 với đặc trưng là Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), Điện toán đám mây (Cloud computing) và Khoa học Dữ liệu (Data Science). Trong đó, Khoa học Dữ liệu đang là một trong những ngành học có xu hướng phát triển vượt bậc nhất bởi nó mang trong mình nhiều sự mới mẻ và cơ hội phát triển. Từ đó, tạo nên nhiều sức hút và sự yêu thích của các bạn trẻ về ngành Khoa học Dữ liệu. Vậy cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu ra sao, có dễ xin việc không đang là nỗi bận tâm của các bạn học sinh trước khi đưa ra quyết định chọn học ngành này. Hãy cùng nhau đi tìm lời giải đáp qua bài viết bên dưới nhé!
Ngành Khoa học Dữ liệu là gì?
Trước khi tìm hiểu về cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu, chúng ta hãy tìm hiểu trước ngành Khoa học Dữ liệu là gì nhé!
Ngành Khoa học Dữ liệu (Data Science) là ngành khoa học về việc khai phá, quản trị và phân tích dữ liệu để dự đoán các xu hướng trong tương lai và đưa ra các quyết định, chiến lược hành động đúng đắn và thích hợp.
Khoa học Dữ liệu (Data science) gồm ba phần chính: tạo và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu, và áp dụng kết quả phân tích thành những hành động có giá trị. Việc phân tích và sử dụng dữ liệu dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học – Mathematical Statistics), công nghệ thông tin (máy học – Machine Learning) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.
Ngành Khoa học Dữ liệu có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, y tế, giáo dục, chính trị, an ninh, nông nghiệp,… Nhờ vào Khoa học dữ liệu, các nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng thị trường và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Trong lĩnh vực y tế, Khoa học Dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả của công cuộc điều trị thông qua việc phân tích dữ liệu y tế, chẩn đoán bệnh chính xác và đề xuất liệu trình phù hợp cho từng bệnh nhân. Khoa học dữ liệu cũng góp phần xây dựng hệ thống giáo dục thông minh trong lĩnh vực giáo dục, giúp cá nhân hóa quy trình học tập và tối ưu hóa hiệu quả tiếp thu kiến thức cho mỗi học sinh cũng như giáo viên.
Ngành khoa học Dữ liệu học gì?
Để theo đuổi ước mơ và mở rộng cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu, thì bạn cần trang bị các nhóm kỹ năng cần thiết của một nhà Khoa học Dữ liệu bao gồm: Phân tích (Analytics), Lập trình (Programming), và Kiến thức chuyên ngành (Domain Knowledge). Chính vì thế, nếu bạn theo học ngành Khoa học Dữ liệu, bạn sẽ được học một số các môn chuyên ngành như:
- Thống kê áp dụng (Applied Statistics)
- Nhập môn Khoa học máy tính (Introduction to Computer Science)
- Lập trình cùng Python, R hay SQL (Programming with Python/R/SQL)
- Trực quan hóa dữ liệu (Data Visualization)
- Xác suất (Probability)
- Khai phá dữ liệu (Data Mining)
Bên cạnh đó, bạn sẽ được yêu cầu tìm hiểu về những công cụ chính phục vụ cho việc phân tích dữ liệu như: Công cụ lập trình (programming languages) – Python, R, Matlab, Công cụ trực quan hóa dữ liệu – Tableau, Công cụ truy vấn cơ sở dữ liệu – SQL, Công cụ thống kê – Microsoft Excel, Minitab, Hệ thống phân tích thống kê- SAS,…
Ngành Khoa học Dữ liệu cần những kỹ năng gì?
Cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu vô cùng tiềm năng, để đạt được những thành tựu trong ngành cũng đòi hỏi nhiều phẩm chất và kỹ năng hội tụ trong một con người. Một số phẩm chất bạn cần có khi theo học ngành Khoa học Dữ liệu này:
- Tư duy phản biện: Đây là tố chất quan trọng giúp bạn thành công trong ngành Khoa học Dữ liệu. Bạn cần có khả năng đánh giá dữ liệu một cách khách quan, luôn luôn đặt câu hỏi có chiều sâu để tìm ra những nhận định chính xác. Có khả năng phản biện tốt còn giúp bạn tiếp cận được nhiều kiến thức mới trong quá trình tìm tòi và nghiên cứu tìm câu trả lời cho những câu hỏi của mình.
- Học tốt những kiến thức nền tảng và ứng dụng liên quan đến ngành: Kiến thức hệ thống như lập trình, mạng, cơ sở dữ liệu,… giúp tạo nền tảng vững chắc để bạn tiếp thu các kiến thức chuyên sâu về khoa học máy tính. Bên cạnh đó, những kiến thức ứng dụng khi tham gia những buổi thực hành sẽ rèn luyện cho bạn cách áp dụng các nguyên tắc và kỹ thuật vào thực tế một cách đúng đắn. Ví dụ, bạn có thể sử dụng kiến thức về lập trình để xây dựng phần mềm, sử dụng kiến thức về mạng để lên kế hoạch an ninh mạng cho tổ chức,…
- Kiến thức thống kê: Hiểu biết về thống kê giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về dữ liệu, từ đó đưa ra được hướng xử lý và phân tích dữ liệu phù hợp, hiệu quả. Nắm rõ cách sử dụng các công cụ thống kê cũng giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng vấn đề để nhanh tìm ra đáp án chính xác.
- Kỹ năng trực quan hóa dữ liệu: Biết cách biến dữ liệu thành những biểu đồ, hình ảnh trực quan, sinh động là một kỹ năng quan trọng giúp bạn truyền tải thông tin một cách hiệu quả. Các nhà Khoa học Dữ liệu cần thành thạo các công cụ trực quan hóa dữ liệu như Matplotlib, ggplot, d3.js và Tableau để tạo ra những bài báo cáo dễ hiểu và thu hút.
- Kỹ năng thuyết trình: Khả năng truyền tải những thông tin chuyên ngành một cách dễ hiểu giúp bạn thành công trong lĩnh vực này.
Khoa học Dữ liệu gồm những lĩnh vực nào?
Khoa học Dữ liệu bao gồm nhiều lĩnh vực con, mỗi lĩnh vực tập trung vào một khía cạnh cụ thể của việc thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu. Dưới đây là một số lĩnh vực chính:
- Khai thác dữ liệu (Data mining): Trích xuất thông tin và kiến thức có giá trị từ dữ liệu thô để đưa ra các dự đoán và quyết định dựa trên kết quả phân tích.
- Thống kê (Statistic): Cung cấp các công cụ và phương pháp để thu thập, tổ chức, phân tích và diễn giải dữ liệu.
- Học máy (Machine learning): Phát triển các thuật toán tự động để máy tự học nhằm xây dựng các mô hình dự đoán chính xác từ cơ sở dữ liệu trong quá khứ.
- Phân tích (Analyze): Là quá trình tổng hợp và diễn giải kết quả phân tích dữ liệu gồm việc xác định các xu hướng, mẫu hình và mối liên hệ quan trọng trong dữ liệu.
- Lập trình (Programming): Sử dụng các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong Khoa học Dữ liệu bao gồm Python, R và SQL để tạo ra các sản phẩm công nghệ tự động hóa quy trình sản xuất, hoặc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Ứng dụng của ngành Khoa học Dữ liệu
Dưới đây là một số ví dụ quen thuộc về ứng dụng của Khoa học Dữ liệu trong đời sống mà bạn có thể dễ dàng nhận ra được:
- Ứng dụng trong giáo dục: Trường Đại học Florida đã dùng IBM InfoSphere và mô hình SPSS của IBM để trích xuất, truyền tải dữ liệu từ nhiều nguồn để phân tích xác xuất bỏ học của sinh viên. Dựa theo kết quả, trường Florida đã xây dựng được nhiều giải pháp để can thiệp những sinh viên có nguy cơ nghỉ học vì nguyên nhân tài chính.
- Ứng dụng trong thương mại điện tử: Khoa học Dữ liệu giúp doanh nghiệp phân tích hành vi mua sắm, sở thích của khách hàng, từ đó đưa ra những đề xuất sản phẩm phù hợp. Hệ thống trả lời khách hàng tự động Natural Language Processing (NLP) hoặc dùng Fraud Detection để phát hiện những hành vi gian lận trong kinh doanh online và offline cũng là những sản phẩm tuyệt vời của ngành Khoa học Dữ liệu.
- Ứng dụng trong giao thông vận tải: Uber đã sử dụng khoa học Dữ liệu để tối ưu hóa giá cả, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, dựa trên những phân tích hàng loạt dữ liệu về khách hàng, địa điểm, phương tiện,… Khoa học Dữ liệu còn cho ra đời phần mềm lộ trình khoa học – hệ thống có thể xác định tuyến đường tối ưu và tự động hướng dẫn người điều khiển.
- Ứng dụng trong sản xuất: Khoa học Dữ liệu còn được ứng dụng trong tự động hóa quy trình sản xuất (Automation). Hệ thống tự động hóa được tích hợp với các thuật toán học máy giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao độ chính xác và hiệu quả.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Khoa học Dữ liệu
Rất nhiều bạn sinh viên có thể thắc mắc Khoa học Dữ liệu ra làm gì. Khoa học Dữ liệu hiện đang là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất trên thị trường lao động với vô số cơ hội phát triển cho những ai đam mê và sẵn sàng học hỏi. Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học Dữ liệu, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn các công việc khác nhau, như ở các công ty công nghệ lớn (Google, Amazon, Facebook, Microsoft,… ), công ty khởi nghiệp, công ty tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư,…) hoặc công ty sản xuất. Sau đây là một số ngành nghề mà bạn có thể tham khảo lựa chọn sau khi tốt nghiệp ngành học này:
- Nhà Khoa học Dữ liệu (Data Scientist): cần có khả năng phân tích một lượng lớn thông tin và đưa ra xu hướng cũng như chiến lược kinh doanh phù hợp.
- Nhà phân tích dữ liệu (Data Analyst): chịu trách nhiệm chuyển đổi và thao tác các tập dữ liệu lớn để phù hợp với phân tích mong muốn cho các công ty. Họ cũng hỗ trợ quá trình ra quyết định bằng cách chuẩn bị các báo cáo cho các nhà lãnh đạo tổ chức để truyền đạt hiệu quả các xu hướng và hiểu biết sâu sắc thu thập được từ phân tích của họ.
- Kỹ sư học máy (Machine Learning Engineer): tạo kênh dữ liệu và cung cấp giải pháp phần mềm. Ngoài ra, họ cũng chịu trách nhiệm chạy các bài kiểm tra và thử nghiệm để theo dõi hiệu suất và chức năng của các hệ thống đó.
- Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer): chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì các đường ống dẫn dữ liệu, tạo ra một hệ sinh thái dữ liệu mạnh mẽ và được kết nối với nhau trong một tổ chức, giúp các nhà Khoa học Dữ liệu có thể truy cập được thông tin.
- Nhà phát triển Business Intelligence (BI): Các nhà phát triển BI thiết kế và phát triển các chiến lược để hỗ trợ các phòng ban trong doanh nghiệp nhanh chóng tìm thấy thông tin họ cần để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn.
Cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu tiếp tục mở rộng nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong ngành này tăng trưởng 37% trong vòng ba năm. Theo báo cáo Thị trường nhân lực ngành Công nghệ của Vietnamwork, ngành Khoa học Dữ liệu có số lượng đăng tin tuyển dụng tăng 41% và ứng tuyển tăng đột biến 147%.
Theo khảo sát mới nhất về ngành Khoa học Dữ liệu thì mức lương dao động trong khoảng từ 12 – 50 triệu/tháng, tuỳ thuộc vào kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Theo khảo sát mới nhất từ Prospects, mức lương thu nhập trong lĩnh vực này bắt đầu từ 25,000 Bảng Anh/năm cho các chuyên viên và lên tới 60,000 Bảng Anh/năm cho các chuyên gia cấp cao về Khoa học Dữ liệu. Mức lương khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm kinh nghiệm, trình độ, vị trí và lĩnh vực bạn làm việc.
Tóm lại, nếu bạn có đam mê khám phá tri thức từ dữ liệu, có tư duy logic, sáng tạo và mong muốn tạo ra những tác động tích cực đến xã hội, ngành Khoa học Dữ liệu là một lựa chọn vô cùng tiềm năng với cơ hội việc làm ngành Khoa học Dữ liệu đang ngày càng tăng cao với mức lương đáng mơ ước. Hy vọng rằng, qua bài viết trên VinUni đã cung cấp đến bạn những thông tin thực sự hữu ích để bạn có định hương phù hợp và rõ ràng hơn trong con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Chọn trường Đại học VinUni để theo học ngành Khoa học Dữ liệu là quyết định đúng đắn với những bạn có đam mê với ngành này vì tại VinUni có chương trình đào tạo phát triển toàn diện và chất lượng. CỤ thể, chương trình Cử nhân Khoa học dữ liệu thuộc Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính của VinUni không chỉ trao dồi cho bạn các kiến thức lý thuyết vững chắc về máy tính, thống kê và quản lý dữ liệu mà còn chú trọng đến việc đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế.
VinUni còn cam kết đạo tạo ra các nhà lãnh đạo trẻ, trang bị kỹ năng tư duy kinh doanh, giao tiếp hiệu quả và ra quyết định sáng suốt. Sinh viên sẽ có cơ hội tiếp tục học ở các chương trình sau đại học hàng đầu, đảm nhận vị trí lãnh đạo trong ngành công nghiệp, hoặc theo đuổi các dự án khởi nghiệp. Với mạng lưới kết nối rộng rãi và môi trường học tập sáng tạo, VinUni là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê Khoa học Dữ liệu và muốn phát triển nghề nghiệp bền vững.