Kinh tế học quốc tế: đặc trưng và các vấn đề cần quan tâm

31/08/2023

Với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như hội nhập toàn cầu, kinh tế học quốc tế ngày càng được chú trọng và quan tâm. Nghiên cứu về vấn đề này sẽ giúp giải thích các hiện tượng kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định về xuất khẩu, nhập khẩu hiệu quả. Ngay sau đây hãy cùng tìm hiểu chi tiết đặc trưng của kinh tế học quốc tế cùng các vấn đề cần quan tâm ở lĩnh vực trên.

kinh-te-hoc-quoc-te-1

Kinh tế học quốc tế: đặc trưng và các vấn đề cần quan tâm

Tìm hiểu chung về kinh tế học quốc tế

Kinh tế học quốc tế là lĩnh vực nghiên cứu thuộc về kinh tế học, liên quan đến hoạt động kinh tế diễn ra giữa các quốc gia khác nhau. Từ đó chúng ta có thể phân tích thích sự thay đổi giá cả hàng hóa, hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp cũng như những tác động của các chính sách kinh tế quốc tế.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng kiến thức kinh tế quốc tế để đưa ra các quyết định về xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và quản lý rủi ro. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng dễ dàng đánh giá tác động của các chính sách thương mại, đầu tư và tỷ giá hối đoái.

kinh-te-hoc-quoc-te-2

Tìm hiểu chung về kinh tế học quốc tế

Đặc trưng của kinh tế học quốc tế

Trong quá trình tìm hiểu về kinh tế học quốc tế bạn cần quan tâm đến một số đặc trưng cơ bản như sau:

Tính toàn cầu: Các hoạt động kinh tế không còn giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà mở rộng ra toàn cầu, tạo thành một mạng lưới liên kết chặt chẽ. Các sự kiện kinh tế ở một quốc gia có thể tác động đến nhiều quốc gia khác. Sự ra đời của các khối thị trường chung như EU, ASEAN tạo ra một không gian kinh tế thống nhất, thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư toàn cầu

Tính đa dạng: Trong kinh tế học quốc tế, có sự đa dạng về các nền kinh tế, nền văn hóa, và các hệ thống chính trị. Các quốc gia khác nhau có các điều kiện kinh tế và xã hội khác nhau, và nghiên cứu cần phải xem xét sự khác biệt này để hiểu rõ các vấn đề toàn cầu.

Ví dụ, các quốc gia phát triển và đang phát triển có những thách thức và cơ hội khác nhau trong thương mại quốc tế và đầu tư. Chúng ta cũng cần nghiên cứu rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đến các hình thức giao dịch quốc tế như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử…

Tính năng động: Kinh tế quốc tế luôn biến động không ngừng do tác động của nhiều yếu tố như công nghệ, chính trị, xã hội. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Thị trường toàn cầu có thể thay đổi nhanh chóng yêu cầu các nhà nghiên cứu và chính sách phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các mô hình kinh tế và dự báo của mình.

Tính phụ thuộc: Các nền kinh tế quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống kinh tế toàn cầu. Sự phụ thuộc này thể hiện qua việc các nước nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, đầu tư vào các nước khác, ảnh hưởng lẫn nhau qua các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ví dụ, một cuộc khủng hoảng kinh tế ở một quốc gia có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Sự phụ thuộc quá mức vào một đối tác thương mại có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế.

Tính cạnh tranh: Các quốc gia và các doanh nghiệp quốc tế phải đối mặt với sự cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, thu hút đầu tư và phát triển công nghệ. Cạnh tranh quốc tế có thể thúc đẩy sự đổi mới và cải tiến, nhưng cũng có thể dẫn đến sự bất bình đẳng và xung đột giữa các quốc gia và doanh nghiệp.

Tính liên ngành: Kinh tế học quốc tế có liên hệ mật thiết với luật quốc tế, chính trị quốc tế, xã hội học, lịch sử và địa lý. Điều này giúp cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như ảnh hưởng của chính trị toàn cầu lên các chính sách thương mại, hoặc tác động của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế quốc tế.

kinh-te-hoc-quoc-te-3

Đặc trưng của kinh tế học quốc tế

Các vấn đề cần quan tâm trong kinh tế học quốc tế

Khi tìm hiểu về kinh tế học quốc tế, chúng ta nên hiểu rõ một số vấn đề như sau:

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế

Toàn cầu hóa là quá trình các nền kinh tế quốc gia ngày càng trở nên liên kết chặt chẽ với nhau thông qua thương mại, đầu tư, công nghệ và dòng di chuyển của người lao động. Hoạt động này sẽ tạo ra một thị trường thế giới thống nhất, nơi các hàng hóa, dịch vụ, vốn và thông tin di chuyển tự do hơn.

Trong khi đó hội nhập kinh tế là quá trình các quốc gia hoặc khu vực hợp tác và phối hợp với nhau trong các lĩnh vực kinh tế như thương mại, đầu tư, và chính sách kinh tế để tạo ra một thị trường thống nhất hoặc một liên kết chặt chẽ hơn. Các vấn đề cần quan tâm bao gồm hiệp định thương mại tự do, liên minh kinh tế và tiền tệ và các tổ chức quốc tế.

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thường xuyên diễn ra đồng thời và tương tác lẫn nhau. Toàn cầu hóa cung cấp nền tảng cho hội nhập kinh tế bằng cách làm giảm các rào cản và tạo ra cơ hội giao thương toàn cầu. Ngược lại, hội nhập kinh tế có thể thúc đẩy toàn cầu hóa bằng cách làm cho các thị trường trở nên đồng nhất và dễ tiếp cận hơn. Do đó đây là chủ đề không thể bỏ qua khi nghiên cứu về kinh tế học quốc tế.

Thương mại quốc tế

Thương mại quốc tế là một trong những chủ đề cốt lõi trong kinh tế học quốc tế bao gồm các hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia, các yếu tố ảnh hưởng đến thương mại, cũng như các chính sách thương mại và tác động của chúng. Thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Nó cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế. Khi tìm hiểu về thương mại quốc tế chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề chính là tác động của hoạt động này đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại cũng như rào cản thương mại.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên quan đến quá trình các doanh nghiệp của một quốc gia đầu tư vào các hoạt động kinh doanh tại một quốc gia khác, thường bằng cách thành lập công ty con hoặc mua lại các công ty hiện có. FDI đóng vai trò quan trọng trong toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế với nhiều lợi ích cho cả nước chủ nhà và nước đầu tư.

Cụ thể hoạt động này góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo ra việc làm, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Các doanh nghiệp FDI thường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của nước chủ nhà. Còn với các nước đầu tư, FDI là cầu nối giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường quốc tế.

Khi tìm hiểu về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kinh tế học quốc tế, bạn cần nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia, như chính sách đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường…Ngoài ra, chúng ta cũng nên tìm hiểu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp.

Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là giá trị của một đơn vị tiền tệ này so với một đơn vị tiền tệ khác. Nó là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kinh tế học quốc tế, ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động kinh tế từ thương mại đến đầu tư. Đồng nội tệ mạnh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tăng nhập khẩu đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của các khoản đầu tư trong nước.

Ngược lại đồng nội tệ yếu thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng có thể gây ra lạm phát nhập khẩu. Tỷ giá hối đoái là một công cụ quan trọng trong chính sách kinh tế của các quốc gia. Việc hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng và tác động của tỷ giá hối đoái là rất quan trọng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra các quyết định đúng đắn.

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là một khái niệm ngày càng được quan tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt khi thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và cạn kiệt tài nguyên. Thuật ngữ này được hiểu là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Nghiên cứu về kinh tế học quốc tế giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập, và tác động của chúng đến các nền kinh tế. Từ đó các nhà kinh tế quốc tế đóng góp vào việc xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và giảm bất bình đẳng.

Công nghệ và kinh tế số

Sự kết hợp giữa công nghệ thông tin, truyền thông và các hoạt động kinh tế đã tạo ra một nền kinh tế số, nơi mà thông tin, dữ liệu và các giao dịch diễn ra chủ yếu trên nền tảng số. Công nghệ cho phép các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn, tạo ra các chuỗi cung ứng xuyên biên giới và thúc đẩy thương mại điện tử.

Các mô hình kinh doanh mới nổi lên đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Công nghệ số đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngoài ra hình thức giao dịch trực tuyến giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Nếu là một người yêu thích tìm hiểu các vấn đề về kinh tế, bạn đừng quên bỏ qua chuyên ngành Kinh tế học của trường Đại học VinUni nhé. Với chương trình này, sinh viên sẽ được tìm hiểu từ các lý thuyết kinh tế cơ bản đến những lĩnh vực chuyên sâu khác như kinh tế học quốc tế, kinh tế phát triển và kinh tế hành vi.

VinUni cung cấp cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng học, phòng máy tính, thư viện với tài liệu học tập phong phú cùng nội dung giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, khi tốt nghiệp bạn có thể ứng tuyển vào nhiều đơn vị như ngân hàng, công ty đa quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế,…

kinh-te-hoc-quoc-te-4

Chuyên ngành Kinh tế học của trường Đại học VinUni

Trên đây là chia sẻ chi tiết về đặc trưng của kinh tế học quốc tế cùng các vấn đề cần quan tâm ở lĩnh vực này. Mong rằng qua những thông tin trên, bạn đã hiểu hơn về kinh tế học quốc tế cũng như có cái nhìn toàn diện hơn về nền kinh tế nói chung.