Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính là gì? Các điểm khác biệt
Trong thời đại 4.0, nhu cầu nhân lực từ các ngành điện tử, máy tính đang ngày càng gia tăng và có sức hút rất lớn đối với thí sinh cả nước, tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn bị chưa phân biệt được đặc thù giữa ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính. Vậy chúng có điểm gì khác biệt và cách nhận biết ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu chung về khái niệm
Theo thống kê của Bộ Giáo dục năm 2023, nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao thứ 2 cả nước với tỷ lệ là 11,27%, cho thấy ngành này có sức hút rất lớn. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính.
Ngành Khoa học máy tính
Ngành Khoa học máy tính (Computer Science) là ngành học tập trung vào những công việc xoay quanh việc thiết kế và vận hành máy tính thông qua các thuật toán nhằm tạo ra các hệ thống dữ liệu lớn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội. Có thể nói, đây là ngành học giúp bạn hiểu rõ về cách hoạt động của máy tính và cách tạo dựng các ứng dụng, phần mềm phức tạp, từ đó áp dụng vào tình hình thực tế nhằm tạo ra ứng dụng hữu ích nhất, phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Hiện nay, ngành Khoa học máy tính được xem là ngành khoa học nền tảng và là “chìa khoá” để đạt nhiều thành tựu lớn trong cuộc Cách mạng 4.0 và 5.0. Do đó, hầu hết các trường Đại học đều đào tạo ngành học này với hệ thống kiến thức cơ bản về cấu trúc dữ liệu, cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu, phân tích và các thuật toán xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, đồng thời giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các thành phần của máy tính như phần cứng, phần mềm,…
Ngành Kỹ thuật máy tính
Ngành Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering) là ngành học có sự kết hợp của công nghệ thông tin và kiến thức về điện tử. Đây là ngành tập trung nghiên cứu cách xây dựng và phát triển thiết bị phần cứng của máy tính, đồng thời chế tạo các phần mềm liên quan nhằm phục vụ cho hoạt động của phần cứng. Vì đặc thù này nên Kỹ thuật máy tính có liên kết chặt chẽ với ngành Vật lý, Kỹ thuật điện và Khoa học máy tính.
Khi học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về kỹ thuật thiết kế, lập kế hoạch xây dựng phần cứng, phần mềm, kỹ năng lập trình và xử lý vi mạch, đặc biệt là rèn luyện khả năng thiết kế các hệ thống nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện – điện tử. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được thực hành và có cơ hội thực tập nhằm làm quen với việc giải quyết vấn đề giữa phần cứng và phần mềm, thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến vi xử lý,…
Phân biệt ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính
Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính đều liên quan đến việc thiết kế, lập trình và vận hành các thiết bị có liên quan tới máy tính. Đồng thời, lĩnh vực của hai ngành này cũng có một số phần bao trùm lẫn nhau, do đó mà nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai ngành, gây khó khăn trong quá trình lựa chọn ngành học của thí sinh.
Chương trình học tập
Đối với Khoa học máy tính, sinh viên sẽ được học thiết kế phần mềm và xây dựng thuật toán dựa trên phần cứng có sẵn. Chương trình học của ngành thường thiên về lý thuyết giúp sinh viên trau dồi kỹ năng lập trình, cấu trúc dữ liệu, thuật toán, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu của phần mềm và tạo sự liên kết giữa các phần mềm.
Ngành Kỹ thuật máy tính thường chú trọng tới việc thiết lập phần cứng và xây dựng liên kết giữa phần cứng với phần mềm. Do đó, ta có thể nói đây là nền tảng để phát triển ngành Khoa học máy tính. Sinh viên học ngành này sẽ được trang bị kiến thức về Cơ khí, Điện tử, Thiết kế vi mạch và hệ thống máy tính,…
Mục tiêu cốt lõi
Trong khi mục tiêu cốt lõi của Khoa học máy tính là phát triển phần mềm thì Kỹ thuật máy tính lại hướng tới thiết kế hệ thống máy tính bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Tuy có sự khác biệt trong mục tiêu song hai ngành này lại có tác động tích cực lẫn nhau, giúp phát triển máy tính và phần mềm một cách hoàn thiện và phù hợp với xu hướng của thời đại.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Do đặc thù của hai ngành này liên quan đến thiết lập và phát triển các thành phần trên máy tính nên sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm thấy công việc phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Bạn có thể làm việc trong các ngành như: Lập trình Web, Trí tuệ nhân tạo, Phân tích hệ thống hoặc Kỹ sư thiết kế – lắp đặt hệ thống máy tính.
Lập trình Web – ứng dụng
Lập trình Web – ứng dụng là việc xây dựng, phát triển các trang web hoặc ứng dụng trực tuyến có thể truy cập thông qua các thiết bị có kết nối Internet. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều cần có một trang web riêng nhằm tăng độ nhận diện và phổ biến trên các phương tiện tìm kiếm trực tuyến, do đó, sinh viên học ngành Khoa học máy tính hoàn toàn có thể làm tốt công việc này.
Khi làm công việc này, bạn cần lên ý tưởng thiết kế giao diện và lập trình các tính năng trên trang web của tổ chức. Bên cạnh đó, bạn cần phải luôn giám sát các hoạt động của trang web và tiến hành tối ưu hoá dữ liệu và bảo trì web khi có sự cố xảy ra. Đây là công việc yêu cầu khả năng tư duy logic cùng kỹ năng lập trình tốt, do đó mà mức lương của nghề lập trình web – ứng dụng cũng khá cao, dao động từ 13 – 20 triệu đồng/tháng.
Trí tuệ nhân tạo
Trong thời đại mà cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 đang ngày càng phổ biến thì Trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data đang dần trở thành xu hướng dẫn đầu. Do đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính đều có khả năng làm việc tốt trong lĩnh vực này nhờ vào khả năng lập trình, thiết kế thuật toán, xây dựng phần cứng và xử lý dữ liệu.
Mức lương trung bình của người làm trong ngành Trí tuệ nhân tạo là từ 15 – 24 triệu/tháng. Đây là mức lương rất hấp dẫn với những sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, song đây lại là công việc có tính cạnh tranh cao và dễ bị đào thải. Do đó, để gắn bó lâu dài trong ngành này, bạn cần không ngừng cập nhật kiến thức và dữ liệu mới, luôn đổi mới sáng tạo và chịu được áp lực trong nghề nhằm tạo ra những sản phẩm cốt lõi để phát triển Trí tuệ nhân tạo.
Phân tích hệ thống
Phân tích hệ thống là công việc nghiên cứu và tìm hiểu các thức vận hành của các hệ thống quản lý, hệ thống mạng hoặc hệ thống dữ liệu. Thốn qua việc nghiên cứu, bạn có thể tìm ra các lỗ hổng nhằm chỉnh sửa và cải tiến, giúp hoàn thiện các hệ thống. Hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều được cấu tạo bởi rất nhiều hệ thống như giám sát, quản lý, xử lý dữ liệu,.. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm khá đa dạng trong lĩnh vực này.
Khi làm phân tích hệ thống, bạn cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và tiến hành phát triển ý tưởng, lập trình, thử nghiệm và triển khai hệ thống sao cho đúng với yêu cầu của khách hàng. Đây là công việc yêu cầu chuyên môn cao và sự tỉ mỉ trong phân tích, do vậy mà mức lương của ngành thường dao động từ 16 – 25 triệu/tháng.
Học Khoa học máy tính tại VinUni
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, việc đầu tư và bồi dưỡng nhân lực ngành Khoa học máy tính là rất quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Do đó, nếu bạn có định hướng theo học ngành này thì hãy chọn cho mình một trường đại học vừa có cơ sở vật chất tốt cùng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nhằm giúp bạn phát triển tốt nhất và hoàn thiện mọi kỹ năng để trở thành cử nhân tài năng trong lĩnh vực này.
VinUni hiện là trường đại học trẻ nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận được xếp hạng QS 5 sao ở 7 hạng mục, trong đó dẫn đầu là Chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Chương trình học ngành Khoa học máy tính được đồng thiết kế bởi hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ là đại học Cornell và đại học Pennsylvania. Với chương trình này, thí sinh sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh về các nguyên lý, lý thuyết khoa học máy tính, có kỹ năng lập trình phần mềm và kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của khoa học máy tính.
Ngoài ra, VinUni luôn trang bị cho sinh viên tư duy khởi nghiệp và khuyến khích sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu ngay từ năm nhất cùng các Giáo sư, Giảng viên VinUni. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho các sinh viên khi được định hướng, hỗ trợ và cố vấn sát sao từ đội ngũ Giáo sư tầm cỡ của Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính VinUni.
Để trở thành sinh viên ngành Khoa học máy tính tại VinUni, bạn có thể tham gia Kỳ tuyển sinh sớm (15/10/2024 – 15/01/2025), Kỳ tuyển sinh thường (15/02 – 15/05/2025) hoặc Kỳ tuyển sinh cuốn chiếu (15/06 – 15/08/2025). Bạn có thể truy cập vào trang tuyển sinh của trường và hoàn thành mẫu đơn xét tuyển trực tuyến. Mẫu đơn này thường yêu cầu các thông tin cá nhân, thành tích học tập, một số chứng chỉ liên quan kèm theo là một bài luận khoảng 400 chữ. Bạn có thể xét tuyển và nộp hồ sơ trực tuyến trên trang tuyển sinh của VinUni và có cơ hội được xét duyệt sớm hơn, làm giảm bớt gánh nặng ôn thi THPT cho bạn.
Với sự phát triển của kinh tế và công nghệ, ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính sẽ luôn có vị thế vững chắc với công việc và mức lương đa dạng cho sinh viên. Vậy nên, nếu bạn có đam mê nghiên cứu về kiến thức này, thì đừng ngại ngần lựa chọn và xét tuyển vào hai ngành này nhé.