Khái quát về Tâm lý học quản lý
Trong bất kỳ hoạt động nào, từ việc quản lý xã hội, quản lý khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế,… Để có thể thực hiện tốt những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và vận dụng tốt những kiến thức về phân tích con người, cụ thể là Tâm lý học quản lý. Vậy Tâm lý quản lý là gì? Vai trò và ý nghĩa của nó trong cuộc sống hiện nay ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Tâm lý học quản lý là gì?
Tâm lý học quản lý là một ngành chuyên ngành nghiên cứu những đặc điểm của con người dựa trên hoạt động quản lý, điều hành và xây dựng hệ thống tổ chức. Mục tiêu của Tâm lý học quản lý là giúp các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn về hành vi và động cơ của nhân viên. Qua đó cải thiện hiệu suất làm việc, tinh thần đội nhóm và những mối quan hệ trong tổ chức.
Theo lý thuyết, Tâm lý học quản lý là một lĩnh vực nghiên cứu thuộc Tâm lý học. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận chi tiết hơn, chúng ta có thể thấy lĩnh vực này là một phân nhánh nhỏ của Tâm lý học xã hội.
Nếu Tâm lý học xã hội nghiên cứu các đặc điểm suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của nhóm xã hội thì Tâm lý học quản lý nghiên cứu về quá trình tổ chức nhóm xã hội. Thế nên, hai lĩnh vực này đều nghiên cứu về nhóm xã hội nhưng Tâm lý học quản lý có phạm vi nghiên cứu nhỏ hơn.
Lịch sử hình thành Tâm lý học quản lý
Sự hình thành và phát triển của Tâm lý học quản lý được chia ra thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu (Thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20):
Đây là thời kỳ cách mạng công nghiệp khi mà các tổ chức, các công ty lớn phát triển dẫn đến nhu cầu quản lý nhân lực tăng. Lúc này đây các nhà quản lý nhận ra rằng các yếu tố tâm lý của người lao động như động lực, thái độ và sự hài lòng có tác động rất lớn đối với năng suất làm việc. Và trong giai đoạn này đây Frederick Winslow Taylor (1856 – 1915) là một trong những người tiên phong khi áp dụng các nguyên tắc khoa học vào quản lý. Mặc dù không phải là người học chuyên về lĩnh vực Tâm lý học nhưng ông đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.
- Giai đoạn phát triển (Thế kỷ 20)
Từ năm 1920 – 1930, Elton Mayo (1880 – 1949) đã thực hiện các nghiên cứu tại nhà máy Hawthorne bao gồm các thí nghiệm về điều kiện làm việc, giờ làm việc, ánh sáng nhằm tìm hiểu cách chúng ảnh hưởng đến năng suất của công nhân. Và thí nghiệm đã cho thấy, kết quả làm việc của công nhân không chỉ bị ảnh hưởng bởi những điều kiện làm việc mà nó còn đến từ các yếu tố tâm lý, xã hội.
Muốn thay đổi được điều này, các nhà quản lý và lãnh đạo không chỉ cần phải quan tâm đến hiệu quả công việc mà còn cần phải quan tâm đến cả tâm lý và cảm xúc của nhân viên. Chỉ như vậy hiệu quả làm các công nhân mới mới tăng lên.
- Giai đoạn hiện đại (Thế kỷ 21)
Sau năm 1970 đến nay, ngành Tâm lý học quản lý trở thành lĩnh vực nghiên cứu chính thức với các chuyên ngành trong tâm lý học như tổ chức, hành vi trong tổ chức và lãnh đạo. Các nhà nghiên cứu đã phát triển các công cụ và kỹ thuật để đánh giá, cải thiện động lực, hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên.
Xã hội ngày càng phát triển, các nghiên cứu càng tập trung nhiều hơn vào vai trò của cảm xúc và hành vi trong môi trường làm việc. Trong đó bao gồm các nghiên cứu về lãnh đạo, các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Vai trò và ý nghĩa
Có thể thấy, dù ở bất cứ phân nhánh lớn nhỏ nào, các yếu tố Tâm lý học luôn có những vai trò, nhiệm vụ cụ thể và ở Tâm lý học quản lý cũng không ngoại lệ.
Vai trò trong công tác quản trị
Vai trò của yếu tố tâm lý được thể hiện qua nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như trong công tác quản trị nhân sự, cần phải am hiểu tâm lý vì đây là quá trình liên quan đến con người. Từ khâu tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt chức vụ, các chế độ chính sách, thực hiện đường lối cán bộ… Tất cả đều liên quan đến vấn đề tâm lý cá nhân và tâm lý tập thể. Hiểu được đặc điểm đó và nhân cách con người mới có thể phân tích, dự đoán hành vi cá nhân và đề ra những biện pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
Theo lý thuyết, Tâm lý học quản lý giúp các nhà điều hành có được hệ thống lý luận và nhận thức được các quy luật chung trong việc quản lý con người. Bên cạnh đó, nó còn giúp các nhà lãnh đạo hạn chế những sai lầm trong quá trình tuyển dụng, trong giao tiếp và lập chính sách, kế hoạch quản lý.
Trong công tác quản lý nhân sự, việc nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý này mang lại nhiều ích lợi. Cụ thể, các nhà lãnh đạo vận dụng vào trong việc tổ chức, sử dụng đánh giá, điều khiển con người. Dễ dàng nắm bắt năng lực, tính cách, sở trường mỗi cá nhân. Nhờ đó có sự phân công hợp lý, phát huy thế mạnh để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.
– Giúp giải quyết các vấn đề trong tập thể lao động, xây dựng bầu không khí làm việc đoàn kết, lành mạnh. Ngăn chặn, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn và xung đột xảy ra trong quá trình làm việc.
– Những người sếp, những vị lãnh đạo đều là tấm gương để nhân viên có thể học hỏi và noi theo. Chính vì thế việc nắm bắt Tâm lý học quản lý, rèn luyện phẩm chất, năng lực cần thiết sẽ giúp nhà lãnh đạo dựa theo đó mà hoàn thiện bản thân mình hơn.
– Vào những năm gần đây, nền kinh tế đang dần thay đổi mạnh mẽ hơn về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động. Những hành động này là bước ngoặt mang ý nghĩa đưa nền kinh tế toàn cầu từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Và cho dù ở bất kì nền kinh tế nào, bất kì ngành nghề nào, một khi đã có sự phục vụ của con người thì hiệu quả hoạt động chắc chắn chịu chi phối bởi yếu tố thể chất, tâm lý mỗi cá nhân với tư cách thành viên của một tập thể.
Các nhiệm vụ cơ bản
Nhiệm vụ cơ bản của Tâm lý học quản lý là nghiên cứu đặc điểm tâm lý góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này. Trong kinh doanh, việc tổ chức sản xuất kinh doanh như thế nào để đạt hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà sản xuất và nghiên cứu quản lý. Chính vì thế, lĩnh vực Tâm lý học quản lý có nhiệm vụ:
– Nghiên cứu yêu cầu Tâm lý học đối với việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng nhân sự,…
– Nghiên cứu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo cũng như nâng cao năng suất lao động
– Nghiên cứu biện pháp nghiệp vụ sư phạm để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên, phát triển quan hệ xã hội trong tập thể lao động và tập thể lãnh đạo.
Có thể thấy, sự hiện diện của Tâm lý học trong đời sống con người đang ngày càng rõ nét. Nếu bạn có hứng thú và muốn dấn thân vào lĩnh vực “nhìn thấu” con người này có thể tham khảo khoa Cử nhân Tâm lý học tại Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng trường Đại học VinUni.
Tại đây, sinh viên không chỉ được học các kiến thức chuyên ngành mà còn được rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu và viết vượt trội, tư duy giải quyết vấn đề tốt và khả năng tư duy phân tích, phản biện, tổng hợp và đánh giá thông tin hiệu quả.
Ngoài ra, các bạn còn có chương trình thực tập hoặc dự án cuối khóa trong năm cuối, nhằm tích lũy kinh nghiệm thông qua thực hành các kỹ năng và kiến thức trong suốt quá trình học. Xây dựng mạng lưới, khả năng kết nối sâu sắc hơn với các doanh nghiệp và củng cố sự phát triển nghề nghiệp của mình.
Như vậy, những kiến thức về Tâm lý học quản lý chính là cơ sở nền tảng khoa học quan trọng cho công tác quản lý xã hội nói chung và quản trị kinh doanh nói riêng. Để có thể phát triển hơn trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, có thể dẫn dắt một tập thể thành công và phát triển doanh nghiệp hiệu quả thì không thể thiếu trong mình kiến thức về Tâm lý học quản lý.