Humans of VinUni | Giáo sư Michelle Hermiston – Kiến trúc sư của hy vọng và điều kỳ diệu mang tên Việt Nam

16/05/2025

Ở một vùng quê xa xôi thuộc bang Iowa, Mỹ, nơi đồng cỏ trải dài bất tận và chiếc tivi chỉ được mở hai lần mỗi tuần, một cô bé lớn lên giữa sự lặng lẽ của đất đai và những giấc mơ còn chưa gọi thành tên. Gia đình không có ai từng học đại học, không có hình mẫu để noi theo, nhưng trong cô luôn cháy bỏng một khao khát mãnh liệt: phải đi, đi xa hơn Iowa, chạm đến thế giới rộng lớn.

Hôm nay, sau hơn ba thập kỷ, VinUni vinh dự giới thiệu Giáo sư – Bác sĩ Michelle Hermiston, một trong những chuyên gia hàng đầu về huyết học – ung thư nhi tại Hoa Kỳ, cựu giáo sư – giám đốc chương trình đào tạo Chuyên khoa Huyết học và Ung thư nhi tại Đại học California, San Francisco (UCSF), hiện là Viện phó nghiên cứu Viện Khoa học Sức khỏe tại trường Đại học VinUni. Và quan trọng hơn, bà là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho mạng lưới hợp tác quốc gia về điều trị ung thư nhi tại Việt Nam – một hành trình đan cài giữa khoa học, lòng trắc ẩn, và niềm tin vào điều kỳ diệu mang tên Việt Nam.

TỪ NÔNG TRẠI ĐẾN PHÒNG THÍ NGHIỆM

Tuổi thơ của GS. Michelle là những sáng tinh mơ bên cạnh cha – người làm nghề chăn nuôi – khi bà được đánh thức để chứng kiến đàn lợn đẻ. “Tôi không có nhiều hứng thú với bùn đất hay chuồng trại, nhưng tôi thích quan sát cơ thể sống, thích cách mọi thứ vận hành bên trong một sinh vật. Tôi bị khoa học mê hoặc từ thuở đó.”

Khi vào đại học năm 1984, bà làm thêm bán thời gian tại bệnh viện với công việc lấy máu – một trải nghiệm vừa thực tế vừa đầy cảm xúc. “Tôi đi khắp bệnh viện, gặp mọi bệnh nhân. Dần dần tôi nhận ra mình yêu trẻ em, và cảm thấy mình thuộc về thế giới của nhi khoa.” Nhưng bước ngoặt đến từ… một buổi hẹn hò.

“Bạn trai tôi –  giờ là chồng tôi đã 37 năm – phải vào phòng thí nghiệm để chạy một phân tích gel và giải trình tự DNA. Tôi đi theo và lần đầu tiên thấy thế giới nghiên cứu sinh học phân tử. Tôi không biết nó tồn tại. Nhưng khi nhìn thấy, tôi nghĩ: tôi muốn làm cái này, tôi muốn làm nghiên cứu!’”. Đó là lúc GS. Michelle rẽ sang con đường nghiên cứu chuyên sâu. Sau này, bà lấy bằng tiến sĩ Sinh học phát triển, rồi tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ – nhà khoa học tại Đại học Washington. Bà hoàn thành nội trú tại UCSF – một trong những trung tâm y khoa hàng đầu nước Mỹ – và từ năm 2002 chính thức trở thành giảng viên tại đây.

Nhưng với GS.Michelle, việc trở thành một bác sĩ giỏi chưa bao giờ là điểm đến cuối cùng.

Người ta gọi bà là Kiến trúc sư của hy vọng. Bà gọi Việt Nam là một phép màu.

Năm 2015, khi còn là Giám đốc đào tạo sau đại học tại UCSF, Michelle nhận được một email từ một bác sĩ nội trú người Mỹ gốc Việt. Anh bày tỏ mong muốn được gặp bà, và nhờ bà chia sẻ với các bác sĩ Việt Nam về một căn bệnh hiếm – HLH (Hội chứng thực bào máu) – vốn có tỷ lệ cao hơn ở trẻ em Đông Nam Á. Bà nhận lời ngay lập tức. Một phần vì mong muốn khám phá, một phần vì trong lòng luôn ấp ủ ước mơ được làm việc ở những nơi đang cần y học tiến bộ.

Chuyến đi đầu tiên đó nhanh chóng biến thành một mối quan hệ dài lâu. GS.Michelle bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ ung thư nhi đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Y tế chính thức phê duyệt. Không giống như mô hình “twinning” thường thấy – nơi một bệnh viện từ nước phát triển chỉ kết nghĩa với một bệnh viện tại nước đang phát triển – GS.Michelle đề xuất một mô hình hợp tác toàn quốc.

“Nếu chỉ giúp một bệnh viện, bạn có thể vô tình tạo ra bất bình đẳng mới,” bà giải thích. “Tôi muốn mọi trẻ em đều có cơ hội như nhau, bất kể chúng sống ở đâu.”

Từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, mạng lưới hợp tác ngày càng mở rộng. Chính tốc độ đổi mới, sự cầu thị và tinh thần cộng hưởng của Việt Nam đã khiến bà gọi đây là “Phép Màu Việt Nam”.

“Ở Mỹ, để đưa một ý tưởng vào hệ thống y tế có thể mất nhiều năm. Ở Việt Nam, tôi quay lại sau vài tháng- và nó đã trở thành hiện thực. Không chỉ hiệu quả, mà còn tốt hơn mong đợi.”

Một VinUni thấm nhuần “Magic Vietnam”

Khi được mời hợp tác cùng Vinmec trong một chương trình nghiên cứu hàn lâm về liệu pháp tế bào CAR-T (một phương pháp mới trong nghiên cứu điều trị ung thư), GS. Michelle bắt đầu để ý đến VinUni. Điều khiến bà thực sự ấn tượng nhất nơi đây là tinh thần học thuật và khát vọng nghiên cứu rất rõ ràng mà trường đại học theo đuổi. Trong vai trò Viện phó Viện Khoa học Sức khỏe hiện tại, bà tham gia xây dựng nền tảng nghiên cứu lâm sàng, hướng dẫn sinh viên, thiết kế chương trình đào tạo, và đặc biệt, gieo mầm tư duy khoa học trong giới trẻ. Bà không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, mà còn truyền cảm hứng để sinh viên hình dung chính mình là người tạo ra những đột phá trong tương lai.

“Không gì quý hơn việc đào tạo nên những con người có thể thay đổi thế giới.” Và, “Ở VinUni, tôi không đơn độc. Tất cả mọi người đều đang nhìn về một hướng – nơi mà khoa học, nhân văn, và đổi mới sáng tạo cùng đi song song. Đó là một điều rất hiếm.”

Từ các lớp học y khoa đến phòng lab sinh học phân tử, từ hội thảo nghiên cứu đến những buổi mentoring nhỏ, Giáo sư Michelle Hermiston đang lặng lẽ xây dựng điều mà bà luôn tin tưởng: một hệ sinh thái tri thức mở, nơi mỗi sinh viên có thể trở thành tác nhân của thay đổi, và nơi Việt Nam có thể trở thành trung tâm nghiên cứu y học của khu vực.

Có những người sinh ra để chữa lành. Nhưng cũng có những người khao khát kiến tạo một hệ sinh thái, để hàng ngàn người khác có thể cùng nhau chữa lành thế giới. Giáo sư Michelle Hermiston là một người như thế.

Banner footer