“Sinh viên trường đại học VinUni xứng đáng được hưởng một hệ thống giáo dục đại học tốt nhất.”
Tư duy khác biệt
Cùng gặp gỡ Tiến sĩ Charalabos (Haris) Doumanidis, Viện trưởng, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính tại trường đại học VinUni.
Là một nhà lãnh đạo học thuật giàu kinh nghiệm, Giáo sư Haris từng là Hiệu phó phụ trách nghiên cứu tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan trước khi làm việc tại trường đại học VinUni. Là người gốc Hy Lạp, Tiến sĩ Doumanidis lấy bằng cử nhân trường Aristotlian University of Thessaloniki, bằng thạc sĩ tại Đại học Northwestern và bằng Tiến sĩ Kĩ thuật cơ khí tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Là một nhà nghiên cứu nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng, Giáo sư Haris đã được nhận những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Marie Curie Chair of Excellence, giải thưởng Nhóm xuất sắc (Excellence Team) của Ủy ban châu Âu, Giải thưởng ASME Blackall, Giải thưởng dành cho học giả (Presidential Faculty Fellow) của Nhà Trắng (Nhiệm kì Tổng thống W.J. Clinton), Giải thưởng Nhà khám phá trẻ và Sáng kiến nghiên cứu NSF, giải thưởng Honda Initiation Grant cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Là một kĩ sư giàu kinh nghiệm, Giáo sư Haris còn đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp, như Giám đốc sáng lập Chương trình sản xuất nano thuộc Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) tại Mỹ, đồng thời là đại diện của Ủy ban châu Âu tại Quỹ Xúc tiến Nghiên cứu.
Điều gì đã khiến ông quyết định đến với VinUni? Ông mong đợi điều gì ở đây?
Tôi bị thu hút về cơ hội xây dựng một hệ thống giáo dục đại học được công nhận toàn cầu. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam cũng như cộng đồng thế giới thông qua cách tiếp cận, phát triển công nghệ, giáo dục trọn đời và các sáng kiến từ thiện. Một động lực nữa cho quyết định của tôi là tình bạn với tiến sỹ Trần Hiệp, cựu nghiên cứu sinh do tôi hướng dẫn tại Tufs. Là Viện trưởng của CECS, “pater familias”, tôi mong sẽ giúp các sinh viên hiện thực hoá giấc mơ từng đưa họ đến với VinUni và chia sẻ niềm hạnh phúc đó cùng họ.
Ông có lời khuyên gì cho những sinh viên quan tâm đến ngành kĩ thuật hoặc khoa học máy tính? Vì sao sinh viên nên chọn CECS tại VinUni?
Điều đầu tiên tôi muốn nói là ngành kĩ thuật sẽ mang đến cơ hội có sự nghiệp sáng tạo, lương thiện và nhiều triển vọng với mức lương xứng đáng, cơ hội phát triển chuyên môn và cảm giác hài lòng cá nhân. Tại VinUni, sinh viên được tiếp xúc với những giảng viên và cán bộ đẳng cấp thế giới, chương trình đào tạo kế thừa DNA của Cornell, các phòng thí nghiệm và thực hành siêu hiện đại, các kì thực tập và trao đổi sinh viên với các nước Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, v.v., cơ hội nghề nghiệp tại VinFast, VinSmart, VinHomes và các Viện Nghiên cứu của chúng tôi. Nền giáo dục cá nhân hoá tại CECS đảm bảo sinh viên là trung tâm trong mọi hoạt động.
Đang có những xu hướng nào trong việc lựa chọn ngành học kĩ thuật? VinUni sẽ hành động như thế nào trước những xu hướng đó?
Ngành khoa học máy tính ở bậc đại học đang ngày càng được quan tâm, trong khi số thí sinh đăng kí những ngành kĩ thuật truyền thống hơn như Kỹ thuật Cơ khí, Điện và Hoá học đang giảm dần. Để giảm thiểu ảnh hưởng này, CECS đang lên kế hoạch tổ chức các sự kiện định hướng, tư vấn tuyển sinh tại trường với sự tham gia của Vingroup (VinFast, VinSmart, VinHomes, VinPearl Air, v.v.), tổ chức các chuyến tham quan và trải nghiệm phòng thí nghiệm EE và ME của chúng tôi và thu hút các học bổng cho sinh viên từ VinGroup ở các lĩnh vực liên quan.
Giảng viên và sinh viên sẽ triển khai những nghiên cứu như thế nào tại VinUni?
CECS tại VinUni có tầm nhìn nghiên cứu toàn cầu về Nhân văn số (Digital Humanity): sáng tạo công nghệ và trí thông minh để giúp cho cuộc sống của chúng ta an toàn, bền vững và nhân văn hơn. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tốt tham gia nghiên cứu thông qua các chương trình thực tập, hợp tác, trao đổi, các dự án thiết kế cao cấp và luận văn khi làm việc với các viện nghiên cứu, các công ty thuộc Vingroup và các đối tác quốc tế của chúng tôi. Sinh viên được làm việc với các nhà nghiên cứu nổi tiếng, sử dụng cơ sở vật chất đẳng cấp thế giới. Một ví dụ về dạng nghiên cứu này là khám phá sự hỗn độn (chaos) trong tự nhiên để thiết kế các sản phẩm công nghệ hữu ích cho khoa học sức khoẻ và các dịch vụ quản lý kinh doanh.
Ông thấy các kỹ sư ứng phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?
Đây là cơ hội cho tất cả các kỹ sư phát triển giải pháp công nghệ góp phần hỗ trợ nhân loại đối mặt với đại dịch này. Ví dụ như công nghệ chẩn đoán bệnh từ xa qua thiết bị kết nối không dây, chẩn đoán dựa trên tin sinh học, có thể theo dõi triệu chứng của bệnh nhân từ xa, xác định mức độ tiếp xúc gần của nhóm dân số nhiễm bệnh với bệnh nhân và những người có nguy cơ hoặc khi bắt đầu có triệu chứng bệnh. Loại công nghệ này rất quan trọng ở Việt Nam, nơi nhiều người ở nông thôn không tiếp cận được các cơ sở y tế lâm sàng để xét nghiệm và điều trị. Ngoài ra, một số kỹ sư cũng đang phát triển các cảm biến vi lưu y sinh để xét nghiệm virus hoặc các thiết bị phục vụ cho việc tổng hợp thuốc và vắc-xin.
Ông còn lời khuyên nào nữa cho các sinh viên ngày nay không?
Tôi khuyên các em sinh viên hãy tìm hiểu quá khứ và truyền thống, lắng nghe cha mẹ và các giáo sư của mình thay vì đi theo đám đông khi lựa chọn ngành học. Nếu bạn nghe theo đám đông, bạn sẽ phải cạnh tranh với chính đám đông đó để giành lấy một số công việc nhất định khi tốt nghiệp. Vì vậy, hãy hành động thật thông minh, nghĩ khác đi và hành động. Theo học VinUni là cơ hội giúp bạn có thể phát triển thành một nhân tố tạo ra sự thay đổi tại Việt Nam và trên thế giới.