Cấu trúc và cách sử dụng cấu trúc câu điều kiện if

16/07/2023

Mệnh đề câu điều kiện, hay còn gọi là câu điều kiện if, là một cấu trúc câu quen thuộc và phổ biến đối với hầu như tất cả những người học tiếng Anh. Đây là một cấu trúc ngữ pháp có tính ứng dụng cực kỳ cao trong đời sống giao tiếp hàng ngày. Chính vì vậy, VinUni sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức để bạn có thể tự tin sử dụng “đúng và chuẩn” câu điều kiện if trong đời sống cũng như trong môi trường học thuật.

cau-dieu-kien-if-so-1

Câu điều kiện là cấu trúc câu thường gặp trong đời sống hằng ngày

Tổng quan về câu điều kiện if

Câu điều kiện (conditional sentences) là cấu trúc câu được sử dụng để diễn tả về một giả định về một sự việc chỉ có thể xảy ra khi điều kiện được nói đến xảy ra. Những tình huống hay giả thuyết này có thể là tình huống thực tế, tưởng tượng hay tình huống giả định tùy vào mục đích sử dụng. Nói chung, đây là cách diễn đạt của cấu trúc “Nếu… thì” trong tiếng Việt.

Một số ví dụ:

  • Tình huống thực tế: I usually make a bread to take to work if I have enough time. (Tôi thường làm bánh mì mang đi làm nếu tôi có thời gian.)
  • Tình huống tưởng tượng: They’d have got the job done faster if they’d had more people working on it. (Họ sẽ hoàn thành công việc nhanh hơn nếu họ có nhiều nhân lực hơn nữa.)
  • Tình huống giả định: Will you bring my glasses down if you go upstairs? (Cậu sẽ mang kính xuống cho mình nếu cậu đi lên lầu chứ?)

    cau-dieu-kien-if-so-2

    Câu điều kiện có cấu trúc và cách sử dụng đơn giản, dễ hiểu

Đa số các câu điều kiện đều chứa cấu trúc if.

Thông thường, một câu điều kiện hoàn chỉnh sẽ bao gồm hai mệnh đề: mệnh đề chứa “if” là mệnh đề điều kiện (hay còn gọi là mệnh đề phụ), mệnh đề còn lại là mệnh đề chính của câu.

Đa số các trường hợp thì mệnh đề chính sẽ đứng trước mệnh đề phụ đứng sau. Tuy nhiên chúng ta có thể đảo mệnh đề phụ lên trước đầu câu và thêm dấu phẩy vào sau mệnh đề phụ để có thể ngăn cách giữa mệnh đề chính và mệnh đề phụ.

Phân loại các câu điều kiện

Thông thường có 3 loại câu điều kiện if chính:

Câu điều kiện loại 1

Câu điều kiện loại 1 là câu điều kiện có thật diễn ra ở hiện tại. Câu này diễn tả những sự việc hoặc tình huống có khả năng xảy ra ở hiện tại hoặc tương lai cũng như kết quả nhận được của nó.

Mệnh đề if Mệnh đề chính
If + S + V S + will + V
(Thì hiện tại đơn) (Thì tương lai đơn)

Trong cấu trúc câu điều kiện loại 1, thay vì sử dụng Thì tương lai chúng ta cũng có thể thay thế bằng các động từ khuyết thiếu để thể hiện các mức độ chắc chắn hoặc đề nghị một kết quả nào đó có thể xảy ra.

Câu điều kiện loại 1 sử dụng với câu mệnh lệnh, chúng ta có thể lược bỏ chủ ngữ tại mệnh đề chính nhưng câu vẫn có đầy đủ ý nghĩa và đúng ngữ pháp.

cau-dieu-kien-if-so-3

Câu điều kiện loại 1 là câu điều kiện có thật diễn ra ở hiện tại

Câu điều kiện loại 2

Câu điều kiện loại 2 là loại câu điều kiện diễn tả một hành động không có thực, tình huống giả tưởng hay không thể xảy ra ở tương lai dựa trên một điều kiện không có thực ở hiện tại.

Mệnh đề if Mệnh đề chính
If + S + V-ed S + would/ might/ could + V

Đối với mệnh đề if trong câu điều kiện loại 2, phần động từ “to be” được sử dụng luôn luôn là were ở tất cả các ngôi (chủ ngữ).

Câu điều kiện loại 3

Câu điều kiện loại 3 là câu điều kiện dùng để diễn tả một hành động đã không thể xảy ra trong quá khứ dựa trên một điều kiện hay tình huống nào đó trong quá khứ.

Mệnh đề if Mệnh đề chính
If + S + had + V-PII S + would/ might/ could + have + V-PII

Ví dụ cụ thể: If I had studied harder and more carefully, I might have passed the exam(Nếu mình học hành chăm chỉ và cẩn thận hơn, mình đã có thể thi đậu rồi.)

*Một số lưu ý khi sử dụng câu điều kiện if

Ngoài những cấu trúc câu điều kiện căn bản được nói ở phần trên, trong tiếng Anh cũng có một số cấu trúc về câu điều kiện đặc biệt khác được sử dụng trong nhiều trường hợp riêng biệt như câu điều kiện loại 0, câu điều kiện dạng hỗn hợp, câu điều kiện dạng đảo, … Tùy thuộc vào tình huống và mục đích sử dụng mà người dùng có thể sử dụng cấu trúc câu phù hợp.

Để chuyển thể từ câu điều kiện loại 1 thành loại 2 và 3, chúng ta chỉ cần “lùi thì”:

  • Câu điều kiện loại 1 => Câu điều kiện loại 2: Thì hiện tại đơn lùi về Thì quá khứ đơn.
  • Câu điều kiện loại 2 => Câu điều kiện loại 3: Thì quá khứ đơn lùi về Thì quá khứ hoàn thành.

Trong câu điều kiện với cấu trúc phủ định, chúng ta có thể sử dụng unless để thay thế cho if…not

Ví dụ:

If you don’t study hard, you can’t pass the exam. => Unless you work hard, you can’t pass the exam. (Nếu bạn không học hành chăm chỉ, bạn không thể thi đậu kỳ thi.)

Câu điều kiện if có 3 loại chính cơ bản với câu trúc khá đơn giản giúp người dùng có thể diễn đạt đúng và đủ trong quá trình giao tiếp. Nắm vững kiến thức câu điều kiện if và các câu trúc ngữ pháp căn bản khác, bạn có thể vượt qua tốt các bài kiểm tra tiếng Anh tại các trường đại học hiện nay. Đặc biệt, VinUni là một trong những trường có yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh đầu vào, bạn nên trang bị cho mình kiến thức thật tốt trước khi ứng tuyển.