Chức năng và nhiệm vụ của Điều dưỡng viên khi ra trường là gì?

14/10/2024

Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại Việt nam cũng như trên toàn Thế giới. Để trở thành một Điều dưỡng viên, chắc chắn bạn đã từng nghe về 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng. Bên cạnh Y đức hay những chức năng và vai trò của người Điều dưỡng, 12 nhiệm vụ này là những quy định bắt buộc do Bộ Y tế đề ra. Hãy cùng tìm hiểu về vai trò, chức năng cũng như những nhiệm vụ này của Điều dưỡng viên khi ra trường làm việc sẽ như thế nào nhé!

Điều dưỡng viên là gì?

Điều dưỡng viên Việt Nam là người hoạt động trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, là một chuyên ngành được tuyển sinh và đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ hành nghề quy định các tiêu chuẩn hoạt động trong ngành y tế.

Năng lực của người điều dưỡng được đánh giá bằng kiến thức, kỹ năng thực hành và thái độ đối với nghề nghiệp. Người điều dưỡng có nhiệm vụ quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân với thời gian được xác định từ khi nhập viện cho đến khi hồi phục và xuất viện. Các công việc được xác định cụ thể bên cạnh hoạt động của các bác sĩ điều trị. Đảm bảo cho quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân diễn ra hiệu quả nhất với bệnh nhân. bên cạnh đó, Điều dưỡng viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bệnh viện, hoặc các cơ sở nơi Điều dưỡng làm việc.

chuc-nang-va-nhiem-vu-cua-dieu-duong-vien-khi-ra-truong-la-gi-so-1.jpg

Điều dưỡng viên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nhiệm vụ của Điều dưỡng viên

Nhiệm vụ của Điều dưỡng viên vô cùng quan trọng, bao gồm các hoạt động về điều trị, chăm sóc và phục hồi chức chức năng, giáo dục sức khoẻ. Để giúp đỡ người bệnh nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, giảm đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, và biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản. Do đó, người Điều dưỡng cần vận dụng những kiến thức và kỹ năng của mình đã được học.

Nhiệm vụ quan trọng của điều dưỡng là chăm sóc điều trị phục hồi chức năng, sức khỏe trí lực tinh thần cho người bệnh, cụ thể với 12 nhiệm vụ như sau:

  • Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện về quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện, quy chế quản lý buồng bệnh và buồng thủ thuật.
  • Thực hiện đầy đủ y lệnh của bác sĩ.
  • Thực hiện chăm sóc người bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật bệnh viện.
  • Đối với những người bệnh nặng, nguy kịch phải chăm sóc theo y lệnh và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho Bác sỹ điều trị xử lý kịp thời.
  • Ghi những thông số, dấu hiệu, triệu chứng bất thường của người bệnh và cách xử lý vào phiếu theo dõi và phiếu chăm sóc theo quy định.
  • Phải bàn giao người bệnh cho Điều dưỡng trực và ghi vào sổ những y lệnh còn lại trong ngày, những yêu cầu theo dõi, chăm sóc đối với từng người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng trước khi tan ca.
  • Bảo quản tài sản, thuốc, dụng cụ y tế của cơ sở công tác; giữ trật tự và vệ sinh buồng bệnh, buồng thủ thuật trong phạm vi được phân công.
  • Tham gia nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chăm sóc người bệnh và hướng dẫn thực hành về công tác chăm sóc người bệnh cho học viên khi được Điều dưỡng trưởng khoa phân công.
  • Tham gia trực theo sự phân công của Điều dưỡng trưởng khoa.
  • Động viên người bệnh an tâm điều trị. Bản thân phải thực hiện tốt quy định về y đức.
  • Thường xuyên tự học, cập nhật kiến thức.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác của cấp trên.

    chuc-nang-va-nhiem-vu-cua-dieu-duong-vien-khi-ra-truong-la-gi-so-2.jpg

    Điều dưỡng viên có nhiệm vụ quan trọng không kém về vấn đề sức khỏe đó là chăm sóc tinh thần người bệnh

Ở trên là những nhiệm vụ mà điều dưỡng phải nghiêm chỉnh tuân thủ khi ra trường công tác. Vậy, vai trò và chức năng của điều dưỡng trong hệ thống Y tế sẽ như thế nào?

Vai trò của Điều dưỡng

Sau khi tốt nghiệp, Điều dưỡng ra trường làm việc là bạn đang thực hiện bốn vai trò sau:

  • Vai trò của nhà thực hành chăm sóc: sử dụng quy trình Điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu người bệnh, từ lên kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra, cho đến giao tiếp với người bệnh. Bên cạnh đó, người Điều dưỡng cũng làm việc cùng những người liên quan đến việc lập kế hoạch chăm sóc người bệnh và cộng tác với những bên liên quan để có kết quả chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
  • Vai trò nhà quản lý: Hướng dẫn cán bộ y tế khác trong việc chăm sóc người bệnh một cách chọn lọc và thích hợp. Sử dụng những kỹ năng chuyên ngành để áp dụng cách điều trị khéo léo, hiệu quả nhất cho bệnh nhân của mình.
  • Thực hiện vai trò của nhà giáo dục: điều dưỡng còn giữ vai trò là một nhà giáo dục khi thực hiện công tác giáo dục sức khỏe cho mọi người. Sử dụng phương pháp dạy và học cho đội ngũ kế thừa các kiến thức, kỹ năng và đạo đức Điều dưỡng cho những em thực tập viên.
  • Thực hiện vai trò của nhà nghiên cứu: điều dưỡng trong quá trình công tác cũng cần thực hiện và đóng góp các công trình nghiên cứu để nâng cao kiến thức cho ngành Điều dưỡng. Ứng dụng những thành quả các công trình nghiên cứu thành công.

Chức năng của Điều dưỡng 

Chức trách của Điều dưỡng khi ra trường phải giữ được 3 chức năng chính và tất cả những chức năng ấy đều phải lấy bệnh nhân làm trung tâm:

  • Chức năng độc lập: điều dưỡng cần có sự độc lập trong việc chăm sóc, theo dõi, làm thủ tục, hướng dẫn bệnh nhân từ lúc nhập viện cho đến khi xuất viện. Trong khoảng thời gian này điều dưỡng phải lập kế hoạch cụ thể để chăm sóc bệnh nhân.
  • Chức năng phối hợp: Ngoài làm việc độc lập thì điều dưỡng còn có chức năng phối hợp với những bộ phận khác trong quá trình điều trị của bệnh nhân như: Xquang, xét nghiệm, phục hồi chức năng, ECG…để thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân; Phản ánh các diễn biến của bệnh nhân cho thầy thuốc để phối hợp xử trí kịp thời khi Bệnh nhân chuyển bệnh nặng ( thở oxy, hô hấp nhân tạo, ép tim, cầm máu, băng bó…).
  • Chức năng phụ thuộc: tuy điều dưỡng viên cần phải độc lập nhưng trog quá trình điều trị của bệnh nhân, điều dưỡng cần phải phụ thuộc vào bác sĩ trong việc: Cho Bệnh nhân dùng thuốc (uống, tiêm truyền…), đặt sonde, thụt tháo …; Thực hiện một số thủ thuật, theo yêu cầu điều trị; Phụ giúp bác sỹ thực hiện một số thủ thuật điều trị; Lấy bệnh phẩm để xét nghiệm.

    chuc-nang-va-nhiem-vu-cua-dieu-duong-vien-khi-ra-truong-la-gi-so-3.jpg

    Tất cả những chức năng của Điều dưỡng đều phải lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Vì sao nên chọn VinUni để theo học ngành Điều dưỡng?

Khi lựa chọn theo học ngành Điều dưỡng tại trường Đại học VinUni, bạn sẽ không chỉ đơn thuần được tiếp cận kiến thức y khoa mà còn nâng cao nhận thức và hiểu biết toàn diện về lĩnh vực Điều dưỡng. Chương trình Cử nhân Điều dưỡng thuộc Viện Khoa học sức khỏe của VinUni đào tạo tại đây sẽ giúp bạn nhận ra rằng nghề Điều dưỡng không chỉ giới hạn trong việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, mà còn là việc đảm bảo an toàn và chất lượng chăm sóc sức khỏe trong mọi lĩnh vực của ngành. 

Bạn sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia vào giải quyết các tình huống khẩn cấp, dịch bệnh hay thảm họa, đồng thời góp phần vào các hoạt động cộng đồng nhằm thúc đẩy phúc lợi và nâng cao nhận thức sức khỏe cho người dân. Chương trình giảng dạy tại VinUni được thiết kế đồng bộ với chuẩn quốc tế, kết hợp cùng trường Đại học Pennsylvania – một trong những trường điều dưỡng hàng đầu thế giới. 

Đây chính là bước khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp của bạn, với nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Từ việc trở thành một nhà giáo dục đến một nhà quản lý trong ngành Điều dưỡng, bạn sẽ có cơ hội kiến tạo tương lai của ngành Điều dưỡng và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

chuc-nang-va-nhiem-vu-cua-dieu-duong-vien-khi-ra-truong-la-gi-so-4.jpg

Chương trình Cử nhân Điều dưỡng thuộc Viện Khoa học sức khỏe của VinUni.

Qua bài viết trên, VinUni hy vọng đã giải đáp được thắc mắc những chức năng và nhiệm vụ của điều dưỡng viên khi ra trường là gì. Đây là những nhiệm vụ quan trọng được nhà trường lưu ý cho sinh viên để có thể ra trường và thực hiện ước mơ trở thành Điều dưỡng viên của mình.

Banner footer