Quy trình điều dưỡng cơ bản là gì? Các bước qy trình cơ bản của Bộ Y tế?
Về cơ bản, quy trình điều dưỡng là một quy trình gồm nhiều bước khác nhau nhưng được tối ưu hóa trong hoạt động điều dưỡng. Để đảm bảo tính hiệu quả, an toàn, toàn diện và tính liên tục khi chăm sóc bệnh nhân và hướng đến kết quả chăm sóc bệnh nhân mà mình muốn. Trong bài viết sau đây, hãy cùng VinUni tìm hiểu kiến thức cơ bản và các bước cơ bản trong quy trình điều dưỡng của Bộ Y tế hiện nay nhé!
Quy trình Điều dưỡng cơ bản là như thế nào?
Quy trình Điều dưỡng cơ bản ở đây chính là quy trình đã được định trước, gồm nhiều thao tác và hoạt động cụ thể để chăm sóc sức khỏe người bệnh một cách tốt nhất và an toàn nhất. Mục đích chính của quy trình điều dưỡng cơ bản đó là:
- Đảm bảo việc chăm sóc người bệnh được diễn ra liên tục.
- Giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi có một kế hoạch chăm sóc rõ ràng và công khai.
- Dễ dàng thống kê được thông tin các nghiên cứu của khoa Điều dưỡng.
- Giúp các Điều dưỡng viên có cơ hội nâng cao trình độ, trau dồi thêm các kiến thức về Y học.
- Giúp các Điều dưỡng viên trở nên có ý thức và tinh thần trách nhiệm hơn trong các công việc được bàn giao.
- Các Điều dưỡng viên trưởng có khả năng quản lý, đánh giá năng lực của những Điều dưỡng viên ở cấp dưới.
- Các Điều dưỡng viên sẽ được phân công rõ trách nhiệm hơn và không bỏ sót bất kỳ thao tác nào trong quá trình làm việc.
Quy trình điều dưỡng có vai trò như thế nào?
Vai trò của quy trình điều dưỡng được thể hiện rõ như sau:
- Công việc chăm sóc người bệnh diễn ra liên tục và không bỏ sót bất kỳ thao tác nào.
- Giúp điều dưỡng viên có thể ý thức rõ hơn về công việc mình đang làm cũng như có tinh thần trách nhiệm cao hơn trong công việc. Bên cạnh đó, quy trình này cũng giúp người điều dưỡng nắm bắt và nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ.
- Giúp điều dưỡng trưởng có thể quản lý bao quát, đánh giá khả năng, trình độ của điều dưỡng viên dưới quyền quản lý một cách khách quan và chính xác hơn.
- Thống kê dễ dàng cơ sở dữ liệu về tình trạng khách khoẻ, mối quan tâm, khả năng quản lý các nhu cầu… của bệnh nhân.
5 bước trong quy trình điều dưỡng theo quy định của Bộ Y tế
Năm 1958, Ida Jean Orlando là người khởi xướng và đề xuất các bước trong chăm có người bệnh bao gồm 4 bước cơ bản: Assessing (nhận định), Planning (lập kế hoạch), Implementing (thực hiện kế hoạch), Evaluating (đánh giá).
Nhiều năm sau, cùng với sự phát triển và tiến bộ của y học, quy trình điều dưỡng đã được chỉnh sửa và bổ sung thêm bước Diagnosing (chẩn đoán).
Bước 1: Assessing – Nhận định tình trạng người bệnh
Bước đầu tiên trong quy trình điều dưỡng là phải nhận định tình trạng và triệu chứng của người bệnh. Ở giai đoạn này, Điều dưỡng viên cần phải thu thập tất cả thông tin liên quan đến người bị bệnh.
Tiếp đến là trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, hoặc có thể tiếp xúc với người nhà của bệnh nhân nếu cần thêm thông tin. Đây là bước quan trọng tạo nền tảng quan trọng để xây dựng được kế hoạch chăm sóc chính xác hơn cho từng người bệnh.
Nội dung nhận định cần đủ các thông tin sau:
- Nhận định về hô hấp: Hô hấp, dinh dưỡng, nhiệt độ, dấu hiệu, bài tiết và triệu chứng bệnh,…
- Nhận định về mặt tâm thần cảm xúc: Sự phản hồi bằng lời nói, cử chỉ, khả năng tư duy, hiểu biết,..
- Nhận định về mặt kinh tế – văn hoá – xã hội: Kiểm tra về trình độ văn hoá, hiểu biết xã hội, ảnh hưởng của văn hoá, môi trường đến người bệnh,..
- Nhận định môi trường người bệnh: Điều kiện sống, điều kiện làm việc, khả năng phòng ngừa bệnh,..
Nguồn thông tin này nên được chia thành 2 loại là thông tin chủ quan và thông tin khách quan. Từ đó, Điều dưỡng viên mới có thể đưa ra các nhận định chính đáng và hoàn thiện nhất.
Bước 2: Diagnosing – Chẩn đoán điều dưỡng
Từ những dữ liệu đã được thu thập ở bước 1, điều dưỡng viên đưa ra những phân tích đánh giá cơ bản cho riêng mình.
Đánh giá dựa trên cơ sở khoa học, kiến thức và kinh nghiệm học được của người điều dưỡng. Hoạt động này gọi là chẩn đoán điều dưỡng và cần tuân theo công thức nhất định sau đây:
Chẩn đoán điều dưỡng = Vấn đề người bệnh đang mắc phải + Nguyên nhân gây ra (nếu có).
Những chẩn đoán được đưa ra phải đảm bảo ngắn gọn, xúc tích, cụ thể và phải liên quan trực tiếp đến tình trạng người bệnh đang gặp phải.
Phương pháp chẩn đoán cùng một bệnh nhân có thể khác nhau ở những thời điểm khác nhau và thường khác nhau ở mỗi một người bệnh.
Chẩn đoán điều dưỡng không phải chẩn đoán y khoa và mục đích chính là để bổ sung cho việc điều trị.
Bước 3: Planning – Lập kế hoạch điều dưỡng
Bước kế tiếp trong quy trình điều dưỡng chính là lập kế hoạch để chăm sóc bệnh nhân. Bản kế hoạch phải được bổ sung đầy đủ mục tiêu, hoạt động, công việc của mỗi người để cá nhân hoá các hoạt động điều dưỡng.
3 bước cơ bản khi lập kế hoạch điều dưỡng là:
- Thiết lập các vấn đề cần ưu tiên: Những vấn đề chính có liên quan đến sự sống còn của các bệnh nhân cần phải được ưu tiên lên hàng đầu. Tiếp đó là làm thế nào để bệnh nhân không bị di chứng gì sau quá trình điều trị.
- Thành lập mục tiêu: Mục tiêu cần phải cụ thể, có thể đo lường được và có mốc thời gian cụ thể chi tiết.
- Kế hoạch chăm sóc: Cá nhân hoá theo từng người bệnh và trình bày thông tin một cách khoa học để bất kỳ điều dưỡng viên nào có thể hiểu và áp dụng.
Bước 4: Implementing – Thực hiện kế hoạch điều dưỡng
Sau khi có được một bản kế hoạch chi tiết, điều dưỡng viên và cá nhân liên quan có thể bắt đầu thực hiện công tác chăm sóc người bệnh. Nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Nhận định tình trạng hiện tại của người bệnh: Điều dưỡng viên cần quan sát, nhận định và đánh giá người bệnh liên tục để không bỏ lỡ những thay đổi quan trọng.
- Xem xét và có thể sửa đổi kế hoạch điều dưỡng kịp thời nếu cần: Bản kế hoạch có thể được chỉnh sửa để phù hợp hơn với tình trạng của người bệnh cũng như đảm bảo hiệu quả chăm sóc cao nhất.
- Phối hợp với các đồng nghiệp: Để công việc được hoàn thành tốt và chính xác hơn, điều dưỡng viên cần giao tiếp cũng như phối hợp với đồng nghiệp khác và các cá nhân liên quan để đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy.
- Can thiệp điều dưỡng: Tuỳ vào nhiệm vụ ở bảng phân công, điều dưỡng viên thực hiện can thiệp chủ động, bị động hay phục thuộc lẫn nhau.
Bước 5: Evaluating – Đưa ra đánh giá
Bước cuối cùng trong quy trình điều dưỡng chính là đưa ra đánh giá. Bước này được thực hiện nhằm đo lường sự đáp ứng của người bệnh đối với hoạt động chăm sóc điều dưỡng đã được tiếp nhận.
Từ đó, điều dưỡng viên tinh chỉnh để tối ưu hoá quy trình này tại cơ sở y tế và nơi mình làm việc.
Bài viết trên đã giải đáp chi tiết quy trình điều dưỡng là gì cũng như các bước cụ thể của quy trình của Bộ Y tế hiện nay. Hy vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc của bản thân cũng như trang bị cho mình thêm những kiến thức quan trọng của ngành và áp dụng vào công việc. Ngành Điều dưỡng hiện nay cũng là một trong những ngành thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh. Đây cũng là một trong những ngành rất được quan tâm và chú trọng về cả về kiến thức và cơ sở vật chất của trường Đại học VinUni.