Quy trình Marketing là gì? Cách xây dựng quy trình Marketing hiệu quả

04/06/2023

Quy trình Marketing là gì? Tại sao các doanh nghiệp cần phải có quy trình Marketing? Thực hiện quy trình Marketing như thế nào để có kết quả tối ưu? Đây là mối quan tâm của rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến ngành Marketing nói chung. Bài viết sau, hãy cùng VinUni tìm hiểu 5 bước quy trình xây dựng nên chiến lược tiếp thị bùng nổ hiệu quả nhé!

quy-trinh-marketing-la-gi-cach-xay-dung-quy-trinh-marketing-hieu-qua-hinh-anh-1

Quy trình Marketing sẽ giúp doanh nghiệp định hình rõ mục tiêu

Tổng quan quy trình Marketing

Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp việc nắm rõ quy trình Marketing sẽ giúp doanh nghiệp định hình mục tiêu, chiến lược, vận hành trơn tru, gia tăng doanh số bán hàng, dự trù được những rủi ro nhờ đó mà doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Khái niệm quy trình Marketing

Quy trình Marketing được xem là tập hợp một chuỗi các mắt xích liên kết chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra một hệ thống giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. Trong đó các mắt xích này chính là các bước xác định: mục tiêu – thu thập dữ liệu – định hướng hành động – lập kế hoạch hoạt động – giám sát riển khai – báo cáo đánh giá.

Quy trình tiếp thị này giúp công ty xác định được chân dung và nhu cầu của khách hàng từ đó triển khai kế hoạch phù hợp để nâng cao tỉ lệ chuyển đổi, biến cơ hội thành doanh thu.

Vai trò của quy trình Marketing

Quy trình Marketing mang đến cái nhìn tổng thể, giúp xác định mục tiêu và hướng phát triển thích hợp. Mục tiêu có thể là đối tượng khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu kinh doanh trong thời gian tới,… Và dựa vào đây, bạn sẽ phân tích nguồn lực để đưa ra hướng phát triển phù hợp nhất.

Ngoài ra có quy trình Marketing sẽ đảm bảo kiểm soát quá trình triển khai chiến lược tối ưu hóa liên tục, tạo cho doanh nghiệp luôn trong trạng thái linh hoạt, dễ dàng thích nghi với những xoay chuyển trong môi tường kinh doanh hiện nay.

Tại sao cần có quy trình Marketing cụ thể?

Một quy trình Marketing cụ thể giúp doanh nghiệp tổ chức công việc một cách có hệ thống, tuân thủ theo trình tự và luôn được kiểm soát. Khi có sự thay đổi, bạn có thể điều chỉnh kịp thời.

Tổ chức công việc có hệ thống: Một quy trình Marketing cụ thể giúp định rõ các bước cần thiết để thực hiện các hoạt động Marketing. Điều này giúp tổ chức công việc một cách có hệ thống, tránh nhầm lẫn và mâu thuẫn trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Tuân thủ theo trình tự: Một quy trình Marketing rõ ràng giúp xác định trước thứ tự các bước cần thực hiện. Điều này giúp đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều biết phải làm gì và khi nào họ phải làm nó, từ đó tăng cường hiệu suất làm việc.

Kiểm soát: Quy trình Marketing chi tiết cung cấp các bước kiểm soát để theo dõi tiến độ và đảm bảo rằng công việc được thực hiện đúng hạn và đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Điều chỉnh khi có biến số: Một quy trình Marketing linh hoạt cho phép điều chỉnh khi có những biến động bất ngờ trong môi trường hoặc trong chiến lược kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn với các thay đổi bên ngoài.

Sự thiếu sót khi không có quy trình: Trong trường hợp không có quy trình cụ thể, các doanh nghiệp có thể gặp phải những vấn đề như sự lãng phí nguồn lực, sự mất kiểm soát và sự phối hợp kém hiệu quả giữa các phòng ban.

Với sự tổ chức, tuân thủ, kiểm soát và khả năng điều chỉnh linh hoạt, quy trình Marketing cụ thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất làm việc và đạt được kết quả tốt hơn trong các chiến dịch Marketing.

quy-trinh-marketing-la-gi-cach-xay-dung-quy-trinh-marketing-hieu-qua-hinh-anh-2

Quy trình chặt chẽ sẽ giúp các nhân lực gắn kết hơn

Các bước xây dựng quy trình Marketing hiệu quả

Một quy trình Marketing chuẩn 5 bước hiệu quả sẽ được chia ra làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn chiến lược: Nghiên cứu thị trường, xác định mục tiêu, định vị, xây dựng Marketing 4P
  • Giai đoạn thực thi: Thực thi chiến lược, kiểm soát và đánh giá

Nghiên cứu thị trường (Research)

Đây là bước mở đầu vô cùng quan trọng trong việc xây dựng quy trình Marketing, yêu cầu doanh nghiệp phải có những nghiên cứu kĩ lưỡng về thị trường hoạt động của mình

– Khách hàng tiềm năng: Cần xác định rõ đối tượng mục tiêu của sản phẩm, bao gồm các tiêu chí về giới tính, tuổi tác, thu nhập,…

– Thói quen mua sắm và insight khách hàng: Hãy tập trung nghiên cứu tâm lý, hành vi, nhu cầu và nỗi đau của khách hàng, cách họ tìm hiểu về sản phẩm và yếu tố khiến họ chốt đơn. Ví dụ như quyết định mua hàng sau khi đọc reiew, hoặc mua hàng nhờ xem livestream,…

– Mức độ phổ biến của thị trường mục tiêu: Bạn cần đánh giá kĩ tiềm năng thị trường mà mình sẽ dấn thân, có thể “nhảy” vào được không? Từ đó mới đưa ra những chiến lược phù hợp.

– Đối thủ doanh nghiệp: Xác định đối thủ cạnh tranh, cách đối thủ hoạt động, điểm mạnh điểm yếu và từ đó tạo ra điểm khác biệt cho doanh nghiệp mình.

quy-trinh-marketing-la-gi-cach-xay-dung-quy-trinh-marketing-hieu-qua-hinh-anh-3

Nghiên cứu kĩ đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên điểm khác biệt

Xây dựng một chiến lược định vị 

Sau khi đã có đủ thông tin về ngành, khách hàng, thị trường thì đây là lúc bước qua bước thứ hai. Tại đây bạn cần phân tích các công đoạn sau:

– Phân khúc thị trường (Segmentation): là quá trình phân chia thị trường thành các phân khúc nhỏ hơn dựa trên các đặc điểm nhu cầu, hành vi của khách hàng. Hành động này nhằm hiểu rõ hơn về khách hàng và đáp ứng nhu cầu khách hiệu quả hơn. Có 4 phương pháp phân khúc thị trường:

  • Phân khúc theo nhân khẩu học: dựa theo tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp
  • Phân khúc theo địa lý: tùy theo khu vực thành thị, nông thôn, vùng miền
  • Phân khúc theo tâm lý: dựa theo sở thích, nhu cầu, phong cách sống
  • Phân khúc theo hành vi: dựa theo thói quen mua sắm và tần suất mua hàng

Dựa theo 4 phân khúc trên các doanh nghiệp đưa ra những phương thức tiếp cận phù hợp và tìm ra được thị trường phù hợp với mình.

– Nhắm mục tiêu (Targeting): dựa vào phân khúc thị trường, doanh nghiệp chọn nơi làm thị trường mục tiêu và đẩy mạnh tiếp thị truyền thông tại nơi đó. Tùy theo khả năng kinh tế mà doanh nghiệp cân nhắc nên tập trung vào thị trường nào, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp có nhiều hơn 1 thị trường mục tiêu.

– Định vị (Positioning): là cách một doanh nghiệp định vị hình ảnh sản phẩm thông qua hình ảnh và vị trí trong tâm trí khách hàng. Nó không chỉ liên quan việc doanh nghiệp bán sản phẩm gì mà còn là cách các doanh nghiệp cho khách hàng thấy được giá trị và sự khác biệt so với các đối thủ.

Hoạch định chiến lược Marketing 4P

Chiến lược Marketing 4P hay còn gọi Marketing Mix, đây là mô hình Marketing hỗn hợp có hiệu quả cao thường được hầu hết các doanh nghiệp hiện nay áp dụng. Marketing 4P gồm 4 yếu tố:

– Sản phẩm (Product): Nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung bán những thứ mình có thì nay đã mở rộng ra bán những món khách hàng cần. Hãy liên tục cập nhật các thông tin như: khách hàng mong muốn gì ở sản phẩm; khách hàng sử dụng sản phẩm đó như thế nào, khi nào, ở đâu; sản phẩm đó đáp ứng được nhu cầu gì ở khách hàng và điều gì khiến cho sản phẩm đó khác với các đối thủ trên thị trường.

– Giá cả (Price): đây là một trong những yếu tố tiên quyết sức mua của khách hàng, nó cũng tác động lên doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc định giá sản phẩm, tăng hoặc giảm giá có tác động rất lớn đối với toàn bộ quá trình kinh doanh, thế nên bạn cần cân nhắc trước mỗi bước ấn định giá để tránh ảnh hưởng về sau.

– Địa điểm (Place): hay kênh phân phối là cơ sở để đưa sản phẩm đến tay người dùng. Doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố thuận lợi để sản phẩm dễ dàng đến tay khách hàng. Bạn có thể trả lời vài câu hỏi sau để xây được kênh phân phối phù hợp:

  • Ngoài mua sắm online thì khách hàng thường mua sắm tại những địa điểm nào?
  • Những kênh bán hàng nào giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dụng tốt hơn?
  • Sản phẩm của bạn nên được nhìn thấy ở đâu?

Ngoài ra còn các hình thức như phân phối độc quyền, phân phối chuyên sâu, phân phối chọn lọc hay nhượng quyền mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc.

– Quảng bá (Promotion): hay quảng cáo là phần không thể thiếu trong mô hình Marketing 4P. Hình thức này giúp tăng độ nhận diện sản phẩm, thúc đẩy hành vi mua hàng và gia tăng doanh số. Tùy thuộc vào sản phẩm mà doanh nghiệp lựa chọn hình thức triển khai phù hợp.

quy-trinh-marketing-la-gi-cach-xay-dung-quy-trinh-marketing-hieu-qua-hinh-anh-4

Mô hình Marketing 4P luôn mang lại hiệu quả tốt

Thực thi chương trình Marketing

Ở bước này, doanh nghiệp đã hoàn thiện chiến lược Marketing tổng thể. Từ đây, các hoạt động thiết kế sản phẩm, định giá và xúc tiến bán hàng sẽ được triển khai. Đây là giai đoạn yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận như sản xuất, kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Kiểm soát & đo lường

Đây là bước cuối cùng của quy trình Marketing. Trong suốt chiến dịch Marketing, việc gặp phải những sai sót là không tránh khỏi. Vì vậy, khi chiến lược kết thúc, các doanh nghiệp cần thu thập phản hồi, tiến hành đánh giá và điều chỉnh để cải thiện hiệu suất cho các chiến dịch tiếp theo. Việc liên tục kiểm soát, đo lường và tìm biện pháp cải thiện sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng linh hoạt và thích ứng tốt hơn trong quá trình quản lý Marketing.

Với những thông tin trên có thể thấy được quy trình Marketing là hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp. Ngoài giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh và phát triển thương hiệu nó còn là bộ công cụ để xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng cũng như toàn bộ hệ thống doanh nghiệp.

Banner footer