Lý thuyết trò chơi trong kinh tế học và cách ứng dụng
Lý thuyết trò chơi trong kinh tế học là một khái niệm không còn quá xa lạ trong lĩnh vực kinh tế. Nó được xem là loại công cụ nghiên cứu và phân tích hành động đối phương vô cùng hữu hiệu. Vậy lý thuyết trò chơi là gì? Chúng tác động thế nào với nền kinh tế? Và ứng dụng vào thực tế ra sao? Hãy cùng tìm giải đáp những câu hỏi đó qua bài viết sau đây.
Khái niệm lý thuyết trò chơi trong kinh tế học
Lý thuyết trò chơi hay Game theory là một phần của toán học ứng dụng và nghiên cứu về các tình huống giữa các quyết định của các bên liên quan. Lý thuyết trò chơi trong kinh tế học được sử dụng nhằm phân tích tình huống, hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp hay các quốc gia. Những tình huống này có thể ảnh hưởng đến nhau và có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, tùy thuộc và chiến lược họ chọn.
Những người tiên phong ra lý thuyết này chính là nhà toán học John von Neumann, John Nash và nhà kinh tế học Oskar Morgenster. Tuy bắt nguồn từ cơ sở toán học ứng dụng và phát triển như công cụ nghiên cứu kinh tế học hành vi, nhưng hiện nay lý thuyết này còn được sử dụng nhiều trong các ngành như tâm lý học và logic, sinh học, triết học,…
Trong lý thuyết trò chơi có hai hình thức duy lý: duy lý cá nhân và duy lý tập thể.
– Duy lý tập thể: Những người chơi cố gắng giành lợi ích nhưng cũng đưa ra các hướng giải quyết để đôi bên cùng có lợi.
– Duy lý cá nhân: Người chơi chỉ tập trung giành lợi ích bản thân mà không quan tâm đến những yếu tố xung quanh. Hình thức này thể hiện rõ rệt trong trò chơi Song đề tù nhân mà chúng ta sẽ được giải thích chi tiết bên dưới.
Các thuật ngữ và loại trò chơi điển hình trong lý thuyết
Trong lý thuyết trò chơi có rất nhiều thuật ngữ cần làm rõ, bạn có thể tham khảo một số thuật ngữ dưới đây cũng như ví dụ điển hình trong lý thuyết.
Thuật ngữ chính trong lý thuyết trò chơi
- Người chơi – Players: là các tác nhân tham gia vào trò chơi. Đó có thể là một các nhân hoặc đội nhóm, trong đó người chơi đều có những mục đích và lợi ích riêng.
- Chiến lược – Strategies: là kế hoạch mà người chơi sẽ thực hiện. Chiến lược có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy thuộc vào mục tiêu và hành động của đối phương.
- Kết quả – Payoff: là những giá trị hoặc lợi ích mà người chơi nhận được sau khi thực hiện chiến lược. Kết quả thường được thể hiện qua số liệu như: doanh số, điểm số, những lợi ích khác,…
- Điểm cân bằng – Equilibrium: thường được đề cập đến là cân bằng Nash, đây là tên của một nhà toán học John Nash. Điểm cân bằng Nash là trạng thái mà không có người chơi nào muốn đơn phương thay đổi chiến lược của mình, vì nếu làm như vậy sẽ không mang lại lợi ích cho họ.
- Trò chơi tĩnh – Static games: hay trò chơi trong một lần, là trò chơi trong đó tất cả người chơi đều đưa ra chiến lược của mình cùng một lúc mà không có bất kì thông tin nào của đối thủ ở thời điểm quyết định.
- Trò chơi động – Dynamic games: hay trò chơi theo chuỗi thời gian. Tại đây người chơi sẽ có thể dựa vào các thông tin và hành động đã diễn ra trước đó và đưa ra các quyết định theo chuỗi thời gian.
- Trò chơi hợp tác và không hợp tác – Cooperative games: trong phần chơi hợp tác, các bên có thể ký kết các thỏa thuận và hợp tác để đưa ra kết quả tốt nhất cho tất cả. Còn ở trò chơi không hợp tác, các bên không ký kết thỏa thuận mà phải hoạt động độc lập.
Ví dụ điển hình: trò chơi Song đề tù nhân
Lý thuyết trò chơi thường được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, tuy nhiên lý thuyết này sẽ giúp chúng ta giải quyết được hai vấn đề:
– Tìm ra giải pháp cân bằng và có lợi cho bản thân
– Phân tích chiến lược của đối thủ để đưa ra phương án đối phó phù hợp
Trong khuôn khổ bài viết này, mục đích chính là mang đến định nghĩa về lý thuyết trò chơi trong kinh tế học, nên chúng tôi chỉ mang đến cho người đọc những thông tin cơ bản về trò chơi trong phạm vi có 2 người. Điển hình ở ví dụ ở đây chính là song đề tù nhân.
Song đề tù nhân hay thế lưỡng nan của tù nhân – Prisoner’s dilemma là một trò chơi có tổng bằng không. Ta có thể hiểu song đề tù nhân như sau:
Giả sử A và B đều phạm tội và cùng bị bắt, trong quá trình điều tra, cảnh sát đã giam giữ 2 đối tượng ở phòng riêng và phỏng vấn. Lúc này, cảnh sát đã đưa ra một số đề xuất với 2 đối tượng như sau:
– Đề xuất 1: Nếu cả hai tiếp tục giữ im lặng và không tố cáo đối phương thì cả A và B đều bị phạt tù 2 năm
– Đề xuất 2: Nếu một trong hai tù nhân tố cáo, người còn lại giữ im lặng thì người tố cáo sẽ được trả tự do còn người giữ im lặng sẽ chịu 8 năm tù giam.
– Đề xuất 3: Nếu cả hai người đều cùng tố cáo thì cả A và B sẽ chịu 4 năm tù giam
Có thể thấy, cả A và B đều có 2 lựa chọn: một là cùng giữ im lặng, hai là phản bội và tố cáo đối phương. Hãy thử đặt trường hợp bản thân là tù nhân A thì bạn sẽ giải quyết như thế nào?
Xét qua những đề xuất trên, có thể thấy sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân là chúng ta sẽ tố cáo còn tội phạm B giữ im lặng, khi đó chúng ta chắc chắn sẽ được tự do. Thế nhưng, điều gì khiến bạn tin rằng tội phạm B sẽ giữ im lặng? Nếu đối phương cũng có cùng suy nghĩ như chúng ta thì sao? Khi đó cả 2 cùng tố cáo và sẽ cùng chịu mức phạt cao nhất. Lúc này chính là thời điểm cả 2 tội phạm bị đẩy đến tình huống lưỡng nan, khi mà ai cũng muốn phần lợi cho riêng mình nhưng cuối cùng đều phải nhận lấy kết quả tệ nhất.
Giả sử trong trường hợp cả hai tội phạm có thể liên lạc được với nhau thì đâu là lựa chọ tốt nhất? Đó chính là cả hai cùng giữ im lặng, như vậy cả hai người sẽ chỉ nhận mức án thấp nhất. Đây có thể xem là giải pháp tốt nhất khi đôi bên chỉ phải hy sinh một chút quyền lợi để được tự do.
Ứng dụng lý thuyết trò chơi trong kinh tế học
Lý thuyết trò chơi được dùng để nghiên cứu tương tác giữa các cá nhân, tổ chức. Trong kinh tế học, lý thuyết này mang đến những phân tích sâu rộng của các vấn đề kinh tế, giúp đưa ra các chiến lược và chính sách hiệu quả ở nhiều tình huống khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số tác động của lý thuyết trò chơi trong kinh tế học dưới đây:
- Chiến lược giá trên thị trường: Các doanh nghiệp áp dụng lý thuyết trò chơi để tối ưu chiến lược giá của mình trong thời kì cạnh tranh khốc liệt. Ví dụ, trong những campaign phải đấu đá về giá cả, các công ty có thể dự đoán hành động của đối thủ và điều chỉnh sao cho hợp lý để đạt được lợi nhuận tối ưu.
- Hợp tác giữa các doanh nghiệp: Lý thuyết được áp dụng để phân tích khả năng hợp tác và thỏa thuận. Trong các chiến lược nghiên cứu và phát triển, lý thuyết trò chơi giúp xác định các điều kiện để đạt được thỏa thuận hợp tác có lợi cho tất cả các bên.
- Thỏa thuận kinh tế: Ở các cuộc đàm phán hợp tác giữa các quốc gia hoặc tổ chức kinh tế, lý thuyết trò chơi sẽ xác định điều kiện và cơ chế để mang đến hiệu quả bền vững.
- Đầu tư và chiến lược rủi ro: Các nhà đầu tư sẽ sử dụng lý thuyết để phân tích rủi ro và đứa ra quyết định đầu tư dựa trên dự đoán hành động của đối thủ hoặc những yếu tố không chắc chắn trên thị trường.
- Cạnh tranh độc quyền và Oligopoly: Trong những thị trường ít công ty, hay thị trường ngách, lý thuyết trò chơi giúp hiểu các chiến lược cạnh tranh và sự phối hợp giữa các công ty, như việc áp dụng chiến lược khuyến mãi, quảng cáo hay phân phối sản phẩm.
- Thiết kế chính sách và quy định: Ở trường hợp này, lý thuyết trò chơi được các nhà hoạch định chính sách sử dụng để thiết kế các chính sách công hiệu quả. Chẳng hạn, trong quản lý ô nhiễm môi trường, lý thuyết trò chơi sẽ giúp xác định cơ chế khuyến khích các công ty giảm lượng phát thải ô nhiễm.
- Hành vi người tiêu dùng: Nhờ lý thuyết trò chơi chúng ta có thể phân tích được hành vi người tiêu dùng trong những tình huống mua sắm, lựa chọn mỹ phẩm và phản ứng với các chiến lược marketing của doanh nghiệp.
- Nghiên cứu kinh tế: Những nhà kinh tế học thường áp dụng lý thuyết trò chơi để phân tích dữ liệu thực nghiệm, nó giúp họ hiểu rõ hơn về các hiện tượng kinh tế và đưa ra những dự đoán chính xác.
Chương trình Cử nhân Kinh tế tại VinUni
Nếu các bạn đang quan tâm đến ngành Kinh tế có thể tham khảo chương trình Cử nhân Kinh tế tại Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng thuộc trường Đại học VinUni.
Chương trình học trang bị cho các sinh viên những kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế. Các kiến thức liên ngành cũng như kiến thức công nghệ số, tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng học tập suốt đời, năng lực nghiên cứu, nền tảng đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm.
Ngành Kinh tế học tại VinUni nhấn mạnh vào các kỹ năng và năng lực để các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng đủ các yêu cầu làm việc tại Việt Nam và nước ngoài trong thời kỳ kinh tế đang ngày một biến động. Đây cũng chính là cơ sở để phát triển chương trình giảng dạy đào tạo những nội dung phù hợp và cấp thiết với người học và xã hội.
Trên đây là một vài thông tin cơ bản và cái nhìn tổng quan về lý thuyết trò chơi trong kinh tế. Nó được xem là công cụ mạnh mẽ trong Kinh tế học, giúp phân tích và dự đoán hành vi chiến lược của các cá nhân và tổ chức trong các tình huống cạnh tranh và hợp tác. Qua đó, lý thuyết trò chơi trong kinh tế còn giúp cung cấp cơ sở lý thuyết để hiểu và giải quyết các vấn đề kinh tế phức tạp, từ cạnh tranh thị trường đến các quá trình đàm phán.