KPI là gì? Cách xây dựng KPI hiệu quả cho cá nhân và doanh nghiệp

21/05/2023

KPI hay Lương KPI là một thuật ngữ không mấy xa lạ trong môi trường kinh doanh. Vậy KPI là gì? Cách xây dựng hệ thống KPI một cách chuẩn chỉnh là như thế nào? Hãy cùng VinUni tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.

KPI-la-gi-so-1

Khái niệm về KPI là gì trong kinh doanh

KPI là gì? Vai trò của KPI trong doanh nghiệp

KPI là gì? KPI là viết tắt của từ gì? Nó có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào trong kinh doanh. Chúng ta cùng nhau làm rõ qua 2 vấn đề sau: 

KPI là gì?

KPI là viết tắt của “Key Performance Indicator”, nghĩa là các chỉ số quan trọng được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu quả công việc, cho phép theo dõi tiến độ đạt được mục tiêu hoặc đối tượng cụ thể. Chúng cung cấp thông tin về cách cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp đang thực hiện các mục tiêu của mình, xác định liệu họ đang tiến triển theo hướng đúng và đạt được kết quả mong muốn hay không.

KPI có thể bao gồm nhiều chỉ số như lợi nhuận, doanh số bán hàng, doanh thu, chi phí trung bình hàng năm, và nhiều loại khác. Phân tích KPI thường xuyên giúp cung cấp cái nhìn tổng quan về hiệu suất hoạt động của một tổ chức hoặc doanh nghiệp, từ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Để đánh giá tổng thể hiệu suất của một doanh nghiệp, cần phải xây dựng hệ thống KPI cấp cao. Trái lại, hệ thống KPI cấp thấp thường tập trung vào đánh giá các quy trình trong các bộ phận như bán hàng, marketing hoặc chăm sóc khách hàng.

Tầm quan trọng của KPI trong doanh nghiệp

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của KPI trong việc quản trị hệ thống doanh nghiệp. Đây không chỉ là một công cụ không thể thiếu mà còn là yếu tố quyết định nếu muốn doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả và bền vững. Để biết được tầm quan trọng của KPI là gì chúng ta hãy cùng phân tích qua các tiêu chí sau đây: 

  • Đo lường hiệu quả hoạt động: KPI giúp đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ số như doanh số, lợi nhuận, chi phí, và thời gian phục vụ khách hàng.
  • Xác định ưu tiên và phân bổ nguồn lực: KPI giúp xác định ưu tiên và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động quan trọng nhất để đạt được mục tiêu chiến lược.
  • Theo dõi hiệu quả của các hoạt động cải tiến: Hệ thống KPI giúp theo dõi hiệu quả của các hoạt động cải tiến và điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu chiến lược được đạt.
  • Tăng cường quản lý dựa trên dữ liệu: KPI cho phép quản lý dựa trên dữ liệu và chứng cứ số, giúp ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn.
  • Điều hướng hành động: KPI cung cấp khung hành động rõ ràng, giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và thực hiện các thay đổi cần thiết để đạt được mục tiêu.
  • Tạo động lực: KPI tạo động lực cho nhân viên, tập trung họ vào các mục tiêu quan trọng và thúc đẩy trách nhiệm cá nhân.
  • Đo lường sự cạnh tranh: KPI cho phép so sánh hiệu suất với các đối thủ trong ngành, giúp định vị và cải thiện sự cạnh tranh.
tam-quan-trong-cua-kpi-la-gi-so-2

KPI có tầm quan trọng như thế nào trong doanh nghiệp?

Các loại KPI phổ biến hiện nay

Để hiểu rõ khái niệm KPI trong kinh doanh, việc chỉ dừng lại ở định nghĩa là chưa đủ. Bạn cần nắm vững các loại KPI phổ biến và khái niệm của từng loại để áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp. Sau đây là các loại KPI phổ biến mà bạn nên biết:

KPI Kinh doanh

KPI Kinh doanh là các chỉ số giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả kinh doanh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Bằng cách sử dụng các chỉ số này, doanh nghiệp có thể xác định được hiệu quả của các dự án và nhận biết các điểm yếu cần được khắc phục.

Ví dụ, KPI Kinh doanh có thể bao gồm doanh thu hàng tháng, tỷ suất lợi nhuận, hoặc tỷ lệ tăng trưởng khách hàng. Những chỉ số này cung cấp cái nhìn tổng quan về sức khỏe tài chính và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, từ đó giúp điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

KPI Tiếp thị

KPI Tiếp thị giúp đội ngũ tiếp thị đánh giá hiệu quả của các chiến dịch, các kênh tiếp thị, và các hoạt động liên quan. Các chỉ số này có thể bao gồm tỷ lệ chuyển đổi, chi phí mỗi khách hàng tiềm năng (CPL), hoặc lượng truy cập website. Nhờ vào các KPI Tiếp thị, doanh nghiệp có thể đo lường thành công của các chiến dịch tiếp thị, xác định kênh tiếp thị hiệu quả nhất và điều chỉnh chiến lược tiếp thị để tối ưu hóa kết quả.

KPI Quản lý dự án

Các nhà quản lý sử dụng KPI Quản lý dự án để theo dõi tiến độ và hiệu quả của các dự án. Các chỉ số này có thể bao gồm thời gian hoàn thành, chi phí dự án, hoặc hiệu suất của từng giai đoạn. Nhờ vào các KPI này, các nhà quản lý có thể đánh giá hiệu suất của nhân viên, so sánh với các kỳ vọng ban đầu và điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời hạn và trong ngân sách.

KPI Tài chính

KPI Tài chính được sử dụng bởi các cấp quản lý và lãnh đạo bộ phận tài chính để đo lường và theo dõi tình hình tài chính của công ty. Các chỉ số phổ biến có thể bao gồm doanh thu, lợi nhuận ròng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, và dòng tiền. Những KPI này giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính và đưa ra các quyết định chiến lược.

KPI Bán hàng

KPI Bán hàng được sử dụng để đo lường hiệu quả của bộ phận bán hàng, sự hấp dẫn của sản phẩm và đóng góp vào quá trình theo dõi doanh số bán hàng. Các chỉ số này có thể bao gồm số lượng sản phẩm bán ra, doanh thu theo từng đại diện bán hàng, hoặc tỷ lệ giữ chân khách hàng. KPI Bán hàng giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động của đội ngũ bán hàng, xác định sản phẩm bán chạy và điều chỉnh chiến lược bán hàng để đạt được mục tiêu doanh thu.

cach-xay-dung-kpi-hieu-qua-trong-kinh-doanh-so-3

Phương pháp xây dựng KPI hiệu quả dành cho doanh nghiệp

Phương pháp xây dựng KPI hiệu quả

Để chọn và xây dựng KPI phù hợp cho mỗi doanh nghiệp, quan trọng nhất là xác định mục tiêu kinh doanh. Một trong những phương pháp phổ biến để xây dựng KPI là sử dụng tiêu chí SMART, được áp dụng trong quản lý hiệu suất và đánh giá kết quả trong các tổ chức và doanh nghiệp. Vậy tiêu chí để xây dựng KPI là gì? hãy cùng chúng tôi là rõ qua 5 tiêu chí sau đây:

  • Cụ thể (Specific): KPI cần được định rõ, cụ thể và rõ ràng để tránh sự hiểu nhầm hoặc độ lệch mục tiêu.
  • Có thể đo lường được (Measurable): KPI phải có khả năng đo lường để quan sát và theo dõi tiến độ đạt được mục tiêu, với dữ liệu cụ thể giúp đánh giá hiệu suất một cách chính xác.
  • Có thể đạt được (Achievable): KPI cần được thiết lập một cách thực tế và có khả năng đạt được, dựa trên nguồn lực và khả năng hiện có.
  • Có liên quan (Relevant): KPI cần phản ánh một khía cạnh quan trọng và liên quan trực tiếp đến mục tiêu và chiến lược của tổ chức.
  • Có thời hạn (Time-bound): KPI cần có một khung thời gian cụ thể để đạt được, giúp xác định thời gian đánh giá và theo dõi tiến độ.

Các KPI có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành công nghiệp, giai đoạn phát triển và dự án cụ thể. Sử dụng tiêu chí SMART giúp đảm bảo rằng các KPI được xây dựng một cách hợp lý, dễ quản lý và đo lường. Đồng thời tập trung vào những mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển và thành công của tổ chức.

Trên đây là những thông tin cơ bản về KPI là gì mà bạn cần biết. KPI hay KPIs không chỉ là chỉ số quan trọng đối với người làm ở cấp quản lý. Mà bất cứ ai đi làm đều nên biết vì nó quyết định công việc hàng ngày và ảnh hưởng đến lương KPI của mỗi người. Để xây dựng một KPI hiệu quả cho doanh nghiệp của mình bạn không nên bỏ qua khóa học đào tạo của chúng tôi. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi, đừng quên theo dõi VinUni để cập nhật nhiều thông tin hữu ích và mới nhất nhé!