Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing giúp CV ấn tượng hơn

08/06/2023

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing trong CV là một trong những điểm mà các nhà tuyển dụng quan tâm và đánh giá nhiều nhất trong các giai đoạn xem hồ sơ. Làm thế nào để viết mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và không kém phần nổi bật? Đó là nội dung chính mà VinUni sẽ đề cập đến trong bài viết sau đây.

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing - Hình 1

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xem hồ sơ tuyển dụng

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp (trong tiếng Anh là career objective) là những mục tiêu, kế hoạch và khát vọng về nghề nghiệp mà một ứng viên mong muốn có thể đạt được trong sự nghiệp của mình trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn. Mục tiêu nghề nghiệp ở đây có thể là một vị trí cụ thể mà bạn mong muốn có thể đạt được, một cấp bậc vị trí cao hơn trong công ty, sự thăng tiến trong công việc.

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing là một điểm nổi bật trong CV nhằm nêu bật các mục tiêu nghề nghiệp của bạn liên quan đến con đường sự nghiệp cụ thể của bản thân. Trong một số trường hợp, mục tiêu đó là một câu đơn giản nêu rõ vị trí công việc bạn muốn có, ví dụ như “Làm vị trí giám đốc Marketing”. Phần này là phần quan trọng trong CV, có thể thu hút sự chú ý của người tuyển dụng và cho họ biết được mục tiêu chung của bạn.

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing - Hình 2

Mục tiêu nghề nghiệp là những mục tiêu, kế hoạch và khát vọng về nghề nghiệp của một người

Cách viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing chuyên nghiệp

Để CV có tính chuyên nghiệp và thu hút sự chú ý của người đọc thì bạn cần phải có một số tips để trình bày sao cho hấp dẫn. Mỗi một cá nhân sẽ có ý tưởng và cách trình bày CV của mình theo cách riêng để tạo được dấu ấn với người tuyển dụng. Tuy nhiên, các mục tiêu nghề nghiệp được nêu trong CV tốt nhất nên đảm bảo một số tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính hấp dẫn và nhất quán. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn nên chú ý khi triển khai mục tiêu nghề nghiệp trong lĩnh vực Marketing.

Viết mục tiêu ngắn gọn – trọng tâm

Khi viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing, bạn cần phải đảm bảo rằng nội dung phải thật ngắn gọn, cô đọng và súc tích. Bởi vì hầu hết các nhà quản lý tuyển dụng đều sẽ phải phân tích và xem xét rất nhiều ứng viên cùng một lúc, bạn nên cung cấp cho họ một cái nhìn thoáng qua nhưng ấn tượng về những gì bạn muốn đạt được trong sự nghiệp trong tương lai của mình. Khi bạn trình bày mục tiêu của mình ngắn gọn và súc tích, bạn sẽ có phần trăm cơ hội nhiều hơn để thu hút sự chú ý của họ.

Nghiên cứu vị trí bạn nhắm đến thật kỹ lưỡng

Khi tiến hành viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing, điều quan trọng bạn cần phải ghi nhớ là công việc cụ thể vị trí bạn đang ứng tuyển. Hãy tham khảo và phân tích kỹ bảng mô tả công việc để có ý tưởng và các yêu cầu về những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Nếu làm được bước này, bạn sẽ xác định những kỹ năng cần thiết và kiến thức nào của bạn nên đưa vào phần mục tiêu.

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing - Hình 3

Ứng viên cần phải tuân thủ một số quy tắc nhất định khi viết mục tiêu nghề nghiệp

Dựa trên mục tiêu Marketing để triển khai cấu trúc CV

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing là điểm quan trọng để có thể thiết lập cấu trúc trong phần còn lại của CV. Điều này có quan hệ mật thiết đến bạn nên đưa các kỹ năng và trình độ nào cho phù hợp và chi tiết hơn trong suốt phần còn lại của CV.

Nền tảng mục tiêu nghề nghiệp bạn đặt ra cho phần còn lại của CV càng tốt, trông càng hấp dẫn thì càng thu hút nhiều nhà tuyển dụng muốn biết thêm về bạn. Nó sẽ giúp người quản lý tuyển dụng có một cái nhìn thoáng qua về những gì họ mong đợi từ phần còn lại trong CV của bạn.

Diễn giải chi tiết trình độ chuyên môn

Khi bạn viết mục tiêu của mình, đừng quên nhấn mạnh các loại bằng cấp liên quan nào bạn đang sở hữu. Điều này có thể là ưu điểm khiến bạn khác biệt với các ứng viên khác. Bằng cấp ở đây có thể bao gồm bất kỳ loại chứng chỉ hoặc bằng cấp nào bạn có liên quan mật thiết đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

Đối với mục tiêu nghề nghiệp Marketing, hãy đảm bảo nêu rõ bao gồm bất kỳ bằng cấp nào bạn có liên quan đến lĩnh vực này, ví dụ như như bằng cử nhân tốt nghiệp về chuyên ngành tiếp thị hoặc quảng cáo, hay các chứng chỉ về PR hay Branding đến từ các các khóa học được các tổ chức uy tín cấp.

Đề cập trực tiếp đến vị trí ứng tuyển

Xuyên suốt quá trình viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing, điều quan trọng nữa bạn cần lưu ý là phải nêu rõ ràng vị trí mà bạn mong muốn đạt được. Sau đó mới đề cập đến việc bạn đến từ đâu, có xuất phát điểm như thế nào và nơi ở cũng như mục tiêu bạn hy vọng sẽ đạt được trong tương lai khi làm việc tại công ty.

Khi bạn đề cập đến mục tiêu tương lai của mình, điều quan trọng là phải cụ thể và chi tiết với các ý định của mình. Điều này sẽ giúp người quản lý tuyển dụng hiểu đúng và chính xác hơn về bạn là ai và bạn hy vọng đạt được gì khi làm việc tại công ty hoặc tổ chức của họ.

Ví dụ về viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing

Những doanh nghiệp hay công ty có quy mô vừa và nhỏ, hoặc khi doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm những ứng viên có kiến thức tổng hợp về ngành Marketing để đào tạo chuyên sâu hơn theo năng lực nổi trội nhất thì phần mục tiêu nghề nghiệp không có nhiều cơ sở để bạn tạo điểm nhấn cụ thể, bạn nên xem xét sử dụng những mẫu mục tiêu nghề nghiệp Marketing mang tính tổng quát như sau:

Mục tiêu nghề nghiệp Marketing - Hình 4

Bạn nên tham khảo một số gợi ý về cách viết mục tiêu nghề nghiệp sao cho hợp lý và thu hút nhất

Mẫu cho ứng viên chưa có kinh nghiệm

Dù bạn là sinh viên vừa mới tốt nghiệp, hay ứng viên chuyển từ một ngành khác sang, bạn đều có thể sử dụng mẫu mục tiêu nghề nghiệp mang tính tổng quát sau đây:

+ Ví dụ về mục tiêu ngắn hạn (khoảng thời gian dưới 01 năm)

“Nhanh chóng thích nghi và hòa nhập cùng tập thể phòng Marketing, hoàn thành khóa đào tạo nội bộ và thực hiện hiệu quả công việc được giao trong 02 tháng đầu tiên.”

“Hoàn thành tốt khóa học nghiệp vụ về Digital Marketing vào cuối tháng ….”

“Mục tiêu thực hiện đạt chỉ tiêu doanh số trong tháng thứ 03 kể từ khi trúng tuyển vào công ty.”

+ Ví dụ về mục tiêu dài hạn (thời gian khoảng 3 – 5 năm)

“Mục tiêu trở thành chuyên viên Marketing giỏi trong vòng 1 năm làm việc.”

“Chuyên viên có doanh số top 05 trong tháng sau 02 năm làm việc.”

“Tham gia dự án quy mô tỉnh thành và lớn hơn với tư cách trưởng nhóm Digital Marketing trong vòng 03 năm tới.”

Mẫu cho ứng viên đã có kinh nghiệm

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing, những mục tiêu cần hướng đến phải tập trung vào hiệu suất làm việc hơn là khả năng hòa nhập môi trường làm việc mới tại công ty.

+ Ví dụ về mục tiêu ngắn hạn (khoảng thời gian dưới 01 năm)

“Tham gia các khóa học chuyên sâu trong và ngoài công ty về kiến thức Marketing trong ngành liên quan.”

“Hoàn thành chỉ tiêu và mục tiêu về Marketing được giao sau 01 tháng thử việc tại công ty”

“Nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu doanh nghiệp của khách hàng tại các điểm bán trực tiếp trong vòng 06 tháng làm việc”

+ Ví dụ về mục tiêu dài hạn (khoảng thời gian từ 3 – 5 năm)

“Mục tiêu trở thành chuyên viên Marketing giỏi trong 02 năm đầu tiên công tác, mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm công ty ra thị trường miền Tây.”

“Trở thành trưởng nhóm Digital Marketing, xây dựng chiến lược đưa doanh nghiệp lọt vào top 20 doanh nghiệp có mức độ nhận diện thương hiệu đứng đầu trên các nền tảng mạng xã hội trong vòng 03 năm tới.”

Bài viết trên đây là tổng hợp thông tin liên quan đến các tiêu chí, cách triển khai và nêu bật mục tiêu nghề nghiệp Marketing trong CV mà các ứng viên quan tâm và có thể tham khảo. Để có thể thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, các mục tiêu viết vào CV cần phải đi đúng trọng tâm, đúng điểm nhấn và phải ngắn gọn, trình bày bắt mắt.

Ngoài ra, ứng viên còn có thể tham khảo một số cách viết mục tiêu nghề nghiệp có trên một số trang web uy tín để thống nhất được cách viết và tạo sự hấp dẫn đối với người đọc. Hy vọng những thông tin trên đây phần nào giúp bạn có được định hình được những gì mình cần đề cập trong phần mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Banner footer