Tâm lý học đám đông – Giải mã cuốn sách hay về tâm lý học đám đông

05/09/2023

Tâm lý học đám đông – là một trong những tác phẩm đầu tiên và có ảnh hưởng nhất về tâm lý học đám đông, đưa ra nhiều lý thuyết và khái niệm quan trọng vẫn còn giá trị đến nay. Cuốn sách: “Tâm lý học đám đông” của nhà văn Gustave Le Bon như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật, hé lộ cho chúng ta những góc sáng và tối khác nhau của xu hướng cảm xúc và hành động của “đám đông”.

Bên cạnh đó, nó còn cho ta thấy sự sinh động, sắc nét của những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong lịch sử loài người, sự thay đổi hướng phát triển to lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội cho tới hiện tại.Đây là cuốn sách mà mỗi một người đang theo đuổi ngành Tâm lý học nên đọc ít nhất một lần. Cùng phân tích rõ hơn về cuốn sách mang tính thời đại này trong bài viết dưới đây nhé!

tam-ly-hoc-dam-dong-giai-ma-cuon-sach-hay-ve-tam-ly-so-1.jpg

Tâm lý học đám đông – là một trong những tác phẩm đầu tiên và có ảnh hưởng nhất về tâm lý học đám đông.

Quy luật đồng nhất tâm hồn của đám đông

Gustave Le Bon (1841-1931) là nhà tâm lí học, xã hội học người Pháp nổi tiếng với những nghiên cứu tiên phong về tâm lý đám đông, được trình bày trong cuốn “Tâm lý học đám đông” xuất bản năm 1895, đây được coi là một trong những kiệt tác kinh điển của thế giới, vẫn luôn được quan tâm và nghiên cứu cho tới thời đại hiện nay.

“Tâm lý học đám đông” phân tích tâm lý và hành vi của con người khi họ trở thành một phần của đám đông, cách họ tin, đưa ra những quan điểm và cách mà họ bị thuyết phục. Cuốn sách gồm 3 phần chính: Tâm hồn đám đông; Quan điểm và niềm tin của đám đông; Phân loại đám đông. Mỗi phần tác giả sẽ vừa dẫn dắt lí thuyết, vừa nêu những ví dụ cụ thể và sinh động.

Theo Le Bon, định nghĩa về đám đông từ quan điểm tâm lý học là: Trong những hoàn cảnh nhất định, và chỉ trong những hoàn cảnh đó, một nhóm người sẽ có những đặc tính mới rất khác so với đặc tính của từng cá nhân cấu thành nhóm đó. Nhân cách có ý thức biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về một phía. Một tâm hồn tập thể được hình thành, dù chỉ là tạm thời, nhưng thể hiện những đặc tính rất rõ ràng.

Chúng ta sẽ thấy được yếu tố vô thức thể hiện sự thống trị thông qua việc điều khiển suy nghĩ và hành vi của mỗi người khi họ ở trong một đám đông, chúng khiến họ suy nghĩ hoàn toàn khác đi so với lúc là một cá nhân riêng lẻ. Người ta có thể trở nên đạo đức hơn, bao dung hơn hoặc anh hùng hơn bao giờ hết, cũng có thể trở thành người bốc đồng, dễ bị kích động, nhẹ dạ cả tin, độc đoán và bảo thủ… Tất cả những loại tình cảm xuất hiện trong tâm lý đám đông đều bị điều khiển và khống chế, bằng cơ chế của sự ám thị, lây nhiễm và lặp đi lặp lại.

tam-ly-hoc-dam-dong-giai-ma-cuon-sach-hay-ve-tam-ly-so-2.jpg

“Tâm lý học đám đông” phân tích tâm lý và hành vi của con người khi họ trở thành một phần của đám đông

Cách những nhà lãnh đạo nổi tiếng tạo ảnh hưởng

Le Bon đồng thời đưa ra những nhân tố tác động đến các quan điểm và niềm tin của đám đông, bao gồm nhân tố gián tiếp và trực tiếp. Chủng tộc, truyền thống, thời gian, các thể chế và nền giáo dục được coi là những nhân tố gián tiếp làm nền tảng cho mọi niềm tin và quan điểm của đám đông. Trong khi đó, những nhân tố trực tiếp tác động đến quan điểm của đám đông bao gồm: Hình ảnh, ngôn từ và công thức; Các ảo tưởng; Kinh nghiệm; Tình cảm vô thức của đám đông.

Lý trí không ảnh hưởng lên đám đông, bởi đám đông được coi là không có khả năng suy luận, phê bình, được dẫn dắt vô thức nên ảnh hưởng đến đám đông chính là hình ảnh và ngôn ngữ. Khéo léo kết hợp hình ảnh và có công thức đúng đắn cho ngôn ngữ đi liền với hình ảnh sẽ tạo ra sức ảnh hưởng trực tiếp lên đám đông. Ngôn ngữ ở đây không phải là những lý luận thảo luận dài dòng và khó hiểu mà là sự đơn giản và mẹo hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ cho đám đông, phù hợp với thời điểm và hoàn cảnh đám đông.

Từ việc hiểu những cấu tạo tinh thần của đám đông và những động lực nào có thể tác động vào tâm hồn của đám đông, Le Bon nhận thấy rằng trong đám đông, lãnh đạo giữ một vai trò nổi bật. Đám đông sẵn sàng nghe theo những ai dẫn dắt họ bằng những ý tưởng đã chiếm được tình cảm trong tâm hồn họ trước đó. Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể tận dụng tâm lý của đám đông và sử dụng các phương thức như sự khẳng định, ám thị, sự lặp đi lặp lại và sự lây nhiễm để thúc đẩy hành động của nhóm theo hướng mà người lãnh đạo mong muốn.

Cùng với đó, một yếu tố góp phần mang đến sức mạnh rất lớn cho các tư tưởng được truyền bá, đó chính là uy tín. Sẽ có nhiều nhân tố góp phần vào sự hình thành uy tín, trong đó thành công luôn là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Khi một người thành công, tư tưởng của họ sẽ thắng thế, nhưng khi thất bại, tư tưởng đó sẽ bị tranh cãi.

“Tâm lý học đám đông” đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của ngành tâm lý học xã hội. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đặc điểm tâm lý của đám đông, từ đó có thể đưa ra những biện pháp để kiểm soát và hạn chế những tác động tiêu cực của đám đông. Là tác phẩm gối đầu giường không chỉ cho các sinh viên ngành lịch sử, tâm lý học, xã hội học, luật pháp mà còn cho những chính khách, những nhà đầu tư, những nhà quản lý và nghiên cứu thị trường…

tam-ly-hoc-dam-dong-giai-ma-cuon-sach-hay-ve-tam-ly-so-3.jpg

“Tâm lý học đám đông” đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của ngành tâm lý học xã hội

Những khó khăn trong việc hiểu dẫn chứng trong cuốn sách “Tâm lý học đám đông”

Tác phẩm được Le Bon viết vào thế kỉ trước bởi vậy chắc chắn độc giả sẽ gặp một vài khó khăn để hiểu một số ví dụ hay dẫn chứng mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên các quan điểm của Le Bon về tâm lý đám đông vẫn được coi là cơ sở cho các nhà nghiên cứu hiện đại sử dụng và thảo luận về chủ đề này để giải thích các hiện tượng trong xã hội hiện đại.

Dựa vào những quan sát nền giáo dục đương thời, Le Bon đưa ra những tiên đoán ảm đạm nhất về sức mạnh tàn hủy của đám đông trong tương lai. Ông cho rằng thứ giáo dục sách vở, kinh viện sẽ tạo ra những con người không đủ năng lực để đáp ứng hoàn cảnh sống, bất mãn và cay đắng nặng nề, sẵn sàng bước vào một đám đông nào đó của những nhà không tưởng với những hứa hão về thay đổi chóng vánh và triệt để để rồi chìm xuống một trình độ đạo đức và trí tuệ thấp kém hơn nhiều. “Tâm hồn đám đông được cải thiện hay hỏng đi một phần chính là do giáo dưỡng và giáo dục”, chúng ta nên nhớ câu này sau khi gấp lại cuốn sách kinh điển của Le Bon.

Ngày nay, tâm lý học đám đông là một nhánh của tâm lý học xã hội. Ngoài Gustave Le Bon, độc giả có thể tìm đọc các tác phẩm nghiên cứu của Gabriel Tarde, Sigmund Freud, William McDougall và Steve Reicher về cùng chủ đề, mỗi lý thuyết gia sẽ làm sáng tỏ các yếu tố lý giải những hành xử của đám đông.

Rõ ràng những gì mà Le Bon đưa ra trong cuốn sách của mình chưa lý giải hoàn hảo các hành vi điển hình của đám đông. Trong nhiều nghiên cứu mang tính chất “phê phán” nghiên cứu của Le Bon, các nhà xã hội học chỉ ra rằng hành vi của đám đông thực ra hợp lý và có tổ chức hơn những gì Le Bon đã mô tả. Họ đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và đặt ra những thuật ngữ mới, trong đó có thuật ngữ “hành vi tập thể” (collective behaviour) để bao hàm thêm những “đám đông” khác: khán giả, fanclub, đám đông bạo loạn, quần chúng, các phong trào trên mạng xã hội,.. Trong thế giới của truyền thông và công nghệ hiện nay, “đám đông” có thêm những thể thức và tính chất mới, có khả năng tạo ra những hiện tượng thú vị khác nhau, chính vì vậy đòi hỏi những nghiên cứu cập nhật đổi mới theo thời đại hơn.

tam-ly-hoc-dam-dong-giai-ma-cuon-sach-hay-ve-tam-ly-so-4.jpg

Gustave Le Bon – tác giả của cuốn sách “Tâm lý học đám đông”

Lựa chọn học chuyên ngành Tâm lý học tại trường Đại học VinUni

Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi học tập và phát triển chuyên môn trong ngành Tâm lý học, trưởng Đại học VinUni chính là sự lựa chọn lý tưởng. Chương trình Cử nhân Tâm lý học tại Viện Khoa học và Giáo dục Khai phóng được thiết kế để đào tạo những chuyên gia Tâm lý học toàn diện, có kiến thức vững vàng và kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình học tại VinUni không chỉ cung cấp nền tảng lý thuyết và kiến thức ứng dụng về Tâm lý học mà còn giúp sinh viên phát triển sự hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của con người. Sinh viên sẽ có cơ hội học tập và nghiên cứu trong các lĩnh vực như Tâm lý học xã hội, Tâm lý học học đường và Tâm lý học tổ chức và kinh doanh. Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị cho sinh viên các kỹ năng liên ngành, công nghệ số, tư duy phản biện và sáng tạo, cùng với nền tảng đạo đức nghề nghiệp vững chắc.

Đặc biệt, chương trình còn cung cấp cơ hội thực tập hoặc thực hiện dự án cuối khóa, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng mạng lưới kết nối sâu sắc với các doanh nghiệp. Điều này không chỉ củng cố sự phát triển nghề nghiệp mà còn giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội trong ngành Tâm lý học.

tam-ly-hoc-dam-dong-giai-ma-cuon-sach-hay-ve-tam-ly-so-5.jpg

trưởng Đại học VinUni chính là sự lựa chọn lý tưởng để bạn theo đuổi ngành Tâm lý học.

Với sự cam kết đào tạo chuyên sâu và môi trường học tập chất lượng cao, trường Đại học VinUni chính là nơi lý tưởng để bạn bắt đầu và phát triển sự nghiệp trong ngành Tâm lý học.

Nhà tâm lý học lỗi lạc Le Bon đã viết cuốn sách “Tâm lý học đám đông với tất cả những tinh túy trong nghiên cứu, là những tìm hiểu và phân tích đa chiều, tỉ mỉ của ông với mảng đề tài này. Bởi vậy mà gói gọn trong hơn 250 trang sách là những kiến thức, mắt xích và câu trả lời xuất sắc nhất cho những sự kiện lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ đó. Và điều đáng trân quý hơn là những giá trị ở đây sẽ luôn được lưu truyền, áp dụng và đưa vào giảng dạy ở hiện tại và mai sau nữa. Để tâm lý học nói chung và những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý nói riêng trở thành điều thân thuộc và gần gũi với mọi người hơn.