Lập kế hoạch Marketing: Hướng dẫn chi tiết từ A – Z

04/06/2023

Để một chiến dịch Marketing diễn ra thành công thì việc lập kế hoạch Marketing đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp các doanh nghiệp xác định được mục tiêu, cách thức tiếp cận nhiều khách hàng và đạt được doanh số như mong muốn. Vậy lập kế hoạch Marketing là gì, các bước để có được kế hoạch Marketing hoàn chỉnh ra sao? Tất cả sẽ được tiết lộ qua bài viết dưới đây của VinUni.

lap-ke-hoach-marketing-huong-dan-chi-tiet-tu-a-z-hinh-anh-1

Lập kế hoạch Marketing đóng vai trò vô cùng quan trọng

Kế hoạch Marketing là gì?

Lập kế hoạch Marketing (Marketing Plan) là một bản phác thảo chi tiết các hoạt động và chiến lược mà doanh nghiệp dùng để triển khai trong thời gian ngắn hạn, có thể tính theo quý hoặc năm. Bên trong bảng bao gồm nhiều mục, tiêu biểu như: xác lập mục tiêu doanh nghiệp, phân tích khách hàng, phân tích đối thủ, ý tưởng triển khai, ngân sách chi trả,… Các mục này đều đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Hai thuật ngữ lập kế hoạch Marketing (Marketing Plan) và chiến lược Marketing (Marketing Strategy) thường gây nhầm lẫn. Để phân biệt hai thuật ngữ này hãy tập trung vào khái niệm, nếu kế hoạch Marketing tập trung vào những hoạt động chi tiết và ngắn hạn thì chiến lược Marketing là dài hạn nhằm định hình hướng đi của doanh nghiệp và nó mang “trọng trách” to lớn hơn.

lap-ke-hoach-marketing-huong-dan-chi-tiet-tu-a-z-hinh-anh-2

Kế hoạch Marketing rõ ràng giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi

Tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch Marketing

Có một bản kế hoạch Marketing chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng định hướng và triển khai các hoạt động cần thiết:

Tối ưu hóa nguồn lực: Kế hoạch giúp doanh nghiệp xác định những nội dung quan trọng nhất để phân bổ công việc một cách hợp lý, từ đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tránh phát sinh các chi phí không cần thiết.

Đối phó với sự cạnh tranh: Việc lập kế hoạch cung cấp thông tin về điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, từ đó giúp doanh nghiệp đề xuất các chiến lược hiệu quả để cạnh tranh.

Truyền thông nội bộ: Kế hoạch là công cụ quan trọng để truyền đạt thông tin và quản lý các bộ phận trong công ty. Nó đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều hiểu rõ thông điệp và thực hiện theo hướng đã được đề ra.

lap-ke-hoach-marketing-huong-dan-chi-tiet-tu-a-z-hinh-anh-3

Xây dựng kế hoạch giúp tối ưu nguồn lực, thời gian, tiền bạc

Cách lập kế hoạch Marketing hoàn chỉnh

Để lập kế hoạch Marketing hiệu quả cần phải trải qua nhiều bước và dưới đây là 8 bước cần thiết để kế hoạch Marketing trở nên hoàn chỉnh.

Bước 1: Xác định mục tiêu của doanh nghiệp

Mục tiêu của doanh nghiệp là kết quả mà doanh nghiệp muốn hướng đến thông qua các hoạt động Marketing, thế nên trong bản kế hoạch cần nêu rõ mục tiêu càng chi tiết càng tốt để mọi người đều nắm được hướng đến của Marketing. Các doanh nghiệp thường sẽ áp dụng mô hình SMART để đặt ra mục tiêu, dựa trên 5 tiêu chí:

  • Specific (cụ thể)
  • Measurable (có thể đo lường được)
  • Actionable (tính khả thi)
  • Relevant (tính liên quan)
  • Time-Bound (thời hạn đạt được mục tiêu)

Bước 2: Thiết lập KPI cho kế hoạch

Mỗi mục tiêu đề ra trong lập kế hoạch Marketing đều cần có chỉ số KPI để đánh giá hiệu suất làm việc trong doanh nghiệp. KPI giúp nắm được chiến dịch nào đang hoạt động hiệu quả, chiến dịch nào cần tối ưu lại, từ đó đưa ra được những phương án phù hợp hơn để tăng tỷ lệ chuyển đổi và thúc đẩy doanh thu bán hàng.

Bước 3: Xác định khách hàng mục tiêu

Xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu là bước quan trọng để đảm bảo rằng quá trình triển khai sản phẩm sẽ diễn ra một cách hiệu quả. Để làm điều này, doanh nghiệp cần phải xác định rõ nhóm khách hàng tiềm năng của mình và thực hiện phân tích cẩn thận về các đặc điểm của họ như tâm lý, thói quen sinh hoạt, độ tuổi, nghề nghiệp, và mức thu nhập.

Dựa trên thông tin này, doanh nghiệp có thể phát triển các chiến lược Marketing phù hợp nhằm tiếp cận và thu hút đúng đối tượng mục tiêu.

Bước 4: Lựa chọn kênh truyền thông

Doanh nghiệp cần lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mục tiêu của họ. Trong những năm gần đây, các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, và Instagram đã trở thành những nền tảng phổ biến và dễ tiếp cận nhất. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng đang trở thành lựa chọn được ưa chuộng, cùng với các kênh truyền thông truyền thống như tạp chí, báo, và tờ rơi.

lap-ke-hoach-marketing-huong-dan-chi-tiet-tu-a-z-hinh-anh-4

Các kênh truyền thông ngày càng đa dạng và đông đảo người dùng

Bước 5: Phân tích thị trường và đối thủ

Trước khi bắt tay vào dự án mới việc tìm hiểu đối thủ là bước vô cùng quan trọng, bạn cần nắm rõ:

  • Ưu – nhược điểm trong cách họ làm Marketing và cách họ giải quyết khi đối mặt với những thách thức nhờ đó rút ra được những kinh nghiệm cho doanh nghiệp của mình.
  • Đối với những khách hàng tiềm năng, hãy tập trung phân tích những yếu tốnhư tuổi tác, giới tính, nhu cầu của họ khi sử dụng sản phẩm này là gì, công việc ra sao, tài chính cá nhân,….

Bước 6: Lên kế hoạch triển khai

Khi đã nghiên cứu kĩ các bước trên, bạn hãy lập kế hoạch Marketing cụ thể bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  • Sản phẩm cung cấp là gì?
  • Thông điệp mà sản phẩm muốn mang đến?
  • Sản phẩm được quảng bá trên các phương tiện nào?
  • Đối tượng sử dụng sản phẩm?
  • Phản ứng khách hàng đối với sản phẩm?
  • Ước tính lượng khách mua sử dụng sản phẩm?
  • Nhược điểm ở sản phẩm khiến khách hàng chưa hài lòng và cách loại bỏ nó?

Bước 7: Xác định ngân sách truyền thông

Vì ngân sách được xem là bước quyết định độ thành công của chiến dịch nên người lập kế hoạch cần làm rõ các chi phí:

  • Chi phí cho các chiến dịch đang chạy
  • Chi phí cho công cụ, phần mềm để cải thiện hoặc tối ưu chiến dịch: phần mềm thiết kế, phần mềm quản lý,…
  • Chi phí đào tạo
  • Chi phí trả lương cho đội ngũ Marketing

Bước 8: Đánh giá kế hoạch và báo cáo kết quả

Tùy vào mỗi kế hoạch mà thời gian đánh giá khác nhau. Đây là khoảng thời gian bạn đối chiếu lại với mục đích ban đầu doanh nghiệp đã đề ra, kết quả đạt được hay những khó khăn gặp phải trong thời gian diễn ra chiến dịch.

Những vấn đề hay gặp phải khi lập kế hoạch Marketing

Trong quá trình lập kế hoạch Marketing đến giai đoạn triển khai chắc chắn bạn sẽ gặp không ít những vấn đề khó khăn. Chẳng hạn như:

– Độ bão hòa của thị trường: Nếu sản phẩm – dịch vụ đang nằm trong nhóm ngành hàng bị bão hòa hay “lỗi thời” so với thị trường thì lúc này những chiến dịch “tái sinh” lại sản phẩm là vô cùng cần thiết. Bạn cần tìm ra những lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí hoặc tạo ra những chiến dịch Marketing độc đáo để gây lại ấn tượng đến khách hàng.

– Cường độ cạnh tranh của ngành hàng: Hãy dựa trên mức độ cạnh tranh các doanh nghiệp sẽ đưa ra đánh giá. Ở mảng F&B, thời trang hay ngành hàng tiêu dùng là những mảng có sự cạnh tranh khắc nghiệt nhất. Vậy nên nếu muốn ứng biến được với khó khăn này bạn cần nghiên cứu kĩ thị hiếu người dùng và đối thủ để lập kế hoạch Marketing hiệu quả hơn.

– Mức độ “nổi tiếng” của sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường: Bạn cần xem xét sản phẩm đang nằm ở mức độ nào. Nếu đó là sản phẩm mới lạ thì bạn cần quảng bá nhiều hơn để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Ngược lại, nếu sản phẩm đã có “tuổi đời” trên thị trường thì bạn cần lập kế hoạch Marketing để “F5” lại sản phẩm.

– Độ phủ sóng trên các nền tảng chưa đủ: Thời đại 4.0 việc đẩy mạnh các sản phẩm – dịch vụ lên các nền tảng số không bao giờ là thừa. Hãy tận dụng tối đa Tiktok, Facebook, Instagram, web,… Đây đều là những phương tiện giúp đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh hơn.

lap-ke-hoach-marketing-huong-dan-chi-tiet-tu-a-z-hinh-anh-5

Những sai lầm khiến tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

– Nhân sự thiếu chuyên nghiệp: Bên cạnh yếu tố đến từ sản phẩm – dịch vụ thì yếu tố nhân sự phụ trách cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Các doanh nghiệp nên cân nhắc xem bộ phận phụ trách đã có kinh nghiệm triển khai thực tế hay chưa, nếu đây là nhân sự do “nhà trồng” thì đã đến lúc bạn cần cân nhắc đến một đội ngũ chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ.

– Đặt mục tiêu thiếu thực tế: Một sai lầm khác có thể không muốn thừa nhận nhưng có vài doanh nghiệp mang trong mình kỳ vọng lớn lao nên đã đặt những mục tiêu quá xa “tầm với” dẫn đến khi chiến dịch triển khai thì không mang lại hiệu quả.

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu cách lập kế hoạch Marketing một cách chi tiết từ A đến Z, từ việc xác định mục tiêu, phân tích thị trường, đến lựa chọn các phương tiện truyền thông phù hợp và đo lường hiệu quả. Kế hoạch Marketing là bước quan trọng giúp doanh nghiệp dẫn dắt chiến lược kinh doanh một cách hợp lý và hiệu quả.

Nếu bạn quan tâm đến ngành Marketing và muốn nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng trong lĩnh vực này, hãy xem xét tham khảo trường Đại học VinUni. Với chương trình học chất lượng và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, VinUni cam kết mang đến cho sinh viên những kiến thức cần thiết và sự chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp trong ngành Marketing. Hãy tham khảo thông tin về chương trình học tại VinUni ngay hôm nay để bắt đầu hành trình chinh phục sự nghiệp trong lĩnh vực Marketing thú vị này nhé.