Brand Marketing là gì? Công việc của Brand Marketing cụ thể ra sao?
Brand Marketing là gì? Brand Marketing là làm những công việc gì? Những tố chất nào cần có để trở thành một Brand Marketer chuyên nghiệp? Nếu làm Brand Marketing thì mức thu nhập khoảng bao nhiêu? Đây là những thắc mắc mà sinh viên thường băn khoăn khi lựa chọn lĩnh vực này để theo học. Hãy cùng VinUni giải đáp những vấn đề nêu trên thông qua bài viết sau đây nhé!
Giải nghĩa Brand Marketing là gì?
Brand Marketing hay còn gọi là tiếp thị thương hiệu, là hoạt động được thực hiện dựa trên các chiến lược quảng bá ngắn hoặc dài hạn nhằm mục đích chính làm tăng độ nhận diện của thương hiệu. Hay nói cách khác, tiếp thị thương hiệu sẽ lồng ghép câu chuyện ý nghĩa, tạo sự yêu thích và hứng thú cuả khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ để gây ấn tượng tốt, tạo điểm nhấn cho thương hiệu.
Một trong những dấu hiệu tốt cho thấy hoạt động Brand Marketing thành công là người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian dài. Để làm được điều này, thương hiệu đã khơi dậy cảm giác về sự khác biệt về thương hiệu và nhận được sự công nhận và tin tưởng từ người tiêu dùng.
Công việc Brand Marketing là làm những gì?
Tùy vào quy mô mỗi công ty và phân cấp công việc mà sẽ có các vị trí khác nhau làm về Brand Marketing. Hiện nay, mảng này được chia thành ba vị trí Brand Marketing khác nhau:
Chuyên viên Brand Marketing
Ở vị trí chuyên viên Brand Marketing, người làm mảng này sẽ tập trung vào giai đoạn thực thi các công việc và hành động cụ thể liên quan đến việc phát triển thương hiệu và giao tiếp với các bộ phận nội bộ công ty như:
- Nghiên cứu thông tin và phân tích các con số liên quan đến các đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực, phân tích thị trường và khách hàng mục tiêu để đề xuất các phương án hữu hiệu nhằm phát triển của thương hiệu tiếp theo đến cấp trên.
- Theo dõi sát sao và báo cáo về ngân sách cần sử dụng cho chiến lược thương hiệu theo giai đoạn ngắn hạn như theo tháng, theo quý hay theo năm.
- Xây dựng và phát triển các đầu mục chi tiết cho bộ nhận diện thương hiệu của công ty như logo, slogan, hình ảnh, màu sắc, nhân vật đại diện,… Thiết kế thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ mới.
- Xây dựng và quản trị các kênh truyền thông của sản phẩm của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Instagram, TikTok, website…
- Kết nối và làm việc với các bên báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh,…để thực thi hoạt động Brand Marketing hiêu quả theo kế hoạch đã được phê duyệt từ lãnh đạo.
Nhân viên Brand Marketing Executive
Tùy vào quan niệm mỗi quốc gia hoặc công ty sẽ có vị trí Brand Executive hay không. Tại thị trường Việt Nam, Brand Executive có bậc cấp và quyền hạn thấp hơn Brand Manager. Vị trí này thường đảm nhiệm các nhiệm vụ cơ bản như:
- Trực tiếp hỗ trợ Brand Manager trong quá trình triển khai và thực hiện chiến dịch, phát triển chiến lược phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.
- Đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả của chiến dịch.
- Quản lý ngân sách cần chi ra cho các chiến dịch quảng bá.
- Theo dõi và triển khai nhanh chóng các hoạt động marketing của doanh nghiệp, công ty.
- Triển khai chiến dịch thương mại quảng bá các sản phẩm mới.
- Hợp tác với các bộ phận phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phân tích số liệu…
Brand Manager
Ở Việt Nam, Brand Marketing tuyển dụng vị trí Brand Manager chủ yếu tập trung vào việc định hướng chiến lược phát triển thương hiệu cho thương hiệu lớn theo giai đoạn có tính dài hạn và trực tiếp quản trị con người là các cấp dưới của mình, cụ thể như:
- Trao đổi và báo cáo kết quả trực tiếp các kế hoạch và kết quả với ban giám đốc hoặc các đối tác lớn của doanh nghiệp liên quan đến brand lớn.
- Lên kế hoạch các mục tiêu, định hướng lớn và dài hạn cho thương hiệu, cũng như là người cuối cùng quyết định các hướng đi cuối cùng cho các hoạt động đó.
- Nghiên cứu kĩ về thị trường, lên các kế hoạch chi tiết về nội dung, hoạt động, sau đó báo cáo lên ban giám đốc và thực hiện triển khai thực thi kế hoạch.
- Theo dõi và đảm bảo tiến độ thực hiện các hoạt động phát triển tiếp thị thương hiệu giữa các phòng ban nội bộ với các phòng ban khác cũng như với các đối tác, khách hàng được diễn ra theo đúng tiến độ và thời gian thực hiện.
- Quản trị nguồn ngân sách chi ra sao cho hợp lý cho hoạt động thương hiệu trong dài hạn.
- Quản trị nguồn nhân lực cho phòng ban mình.
Phân biệt Trade Marketing và Brand Marketing
Về bản chất, hai khái niệm Trade Marketing và Brand Marketing có thể phân biệt như sau:
- Brand Marketing là gì? Trade Marketing là gì? Nếu làm Brand Marketing là hoạt động giúp hình ảnh thương hiệu đi sâu vào tâm trí khách hàng từ đó thúc đẩy hành động mua hàng của khách hàng, thì làm Trade Marketing sẽ giúp thương hiệu đó giành được ưu thế tại các điểm bán hàng truyền thống và hiện đại.
- Trade Marketing chủ yếu tập trung vào các hoạt động truyền tải giá trị của thương hiệu thông qua nghiên cứu thị trường bán hàng, quy trình chuẩn để bán hàng, chăm sóc khách hàng tiềm năng và truyền thông tại điểm bán. Trong khi đó, làm Brand Marketing là làm khách hàng nhớ đến, quan tâm, tin tưởng gắn bó và yêu quý thương hiệu của mình thông qua bộ nhận diện thương hiệu hấp dẫn và các hoạt động truyền thông thú vị nhưng không kém phần ý nghĩa.
Mặc dù vậy, Brand Marketing và Trade Marketing vẫn có mối liên hệ khá mật thiết, gắn bó với nhau trong tổng thể chiến lược chung của cả doanh nghiệp hoạt động và đều vì một mục tiêu chung là đưa sản phẩm của mình tiếp cận gần nhất được với khách hàng, từ đó làm tăng tốc độ bán hàng, doanh thu và lợi nhuận.
Những tố chất Brand Marketing cần có?
Kỹ năng phân tích đối thủ: Người làm Brand Marketing phải nghiên cứu và xem xét tất cả thông tin và thông điệp từ đối thủ cạnh tranh để làm tốt vị trí này. Điều này cần người đó có nhiều kỹ năng phân tích hơn – lập bản đồ thị trường và tìm những lỗ hổng để lên chiến lược tốt.
Định vị xây dựng thương hiệu: Xây dựng định vị thương hiệu được tập trung bởi các yếu tố như đối tượng, giá trị và thương hiệu tiếp xúc với người dùng.
Xây dựng chiến lược cho vị thế thương hiệu: Chiến lược xây dựng thương hiệu là quy trình mà các doanh nghiệp muốn thực hiện để phát triển và xây dựng thương hiệu bền vững. Mỗi chiến lược đều được kết hợp từ các yếu tố chính như nghiên cứu, xác định mục đích, mục tiêu, đối tượng mục tiêu, thời gian thực hiện, đo lường thương hiệu.
Quản lý thương hiệu: Chiến lược thương hiệu cần phải có tư duy tổng thể nên người làm Brand Marketing cần rèn luyện kỹ năng quản lý thương hiệu. Việc này được thực hiện dựa trên nguyên tắc ở từng cấp độ các bộ phận và tùy từng trường hợp, tùy tình huống cụ thể. Nếu thực hiện không tốt thì thương hiệu chỉ nhận được kết quả nhưng không hiệu quả, thậm chí là điều tiêu cực nào đó. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì xây dựng và duy trì được mối quan hệ với người tiêu dùng tiềm năng.
Quản lý dự án: Kỹ năng quản lý dự án là điều cần có ở một Brand Marketing chuyên nghiệp. Khi quản lý dự án, Brand Marketer phải đảm bảo tính xuyên suốt và liên tục của các dự án từ giai đoạn lập kế hoạch cho đến khi đo lường hiệu quả về mặt truyền thông.
Ngoài ra, khi làm Brand Marketing cũng không nên quá cứng nhắc, nên vừa đủ linh hoạt giải quyết vấn đề và vừa đảm bảo quy trình liên tục để thực hiện trơn tru và hoàn chỉnh. Việc này đòi hỏi kỹ năng quản lý và tư duy tốt từ người làm Marketing.
Brand Marketing thu nhập có cao không?
Mức thu nhập bình quân của vị trí Branding Marketing sẽ phụ thuộc vào tính chất và phạm vi công việc cũng như quy mô hoạt động của công ty, là doanh nghiệp tập đoàn xuyên quốc gia hay các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, hay dạng công ty khởi nghiệp…
- Đối với vị trí thực tập sinh: mức lương trong khoảng 3 – 5 triệu đồng.
- Đối với sinh viên mới tốt nghiệp hoặc chưa có kinh nghiệm trong mảng này: mức lương khoảng 8 – 10 triệu đồng.
- Với vị trí chuyên viên Branding Marketing có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm: mức lương trung bình 10 – 15 triệu đồng.
- Đối với vị trí Brand Manager có kinh nghiệm lâu hơn từ 3 – 5 năm: sẽ có mức lương trong khoảng 14 – 22 triệu đồng.
- Brand Manager có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên: mức thu nhập có thể cao hơn, lên đến 27 triệu đồng.
Bài viết trên đây là thông tin giải đáp về Brand Marketing là gì, tố chất của một Brand Marketer chuyên nghiệp, các vị trí làm việc trong mảng này… mà VinUni muốn chia sẻ đến bạn đọc. Nếu bạn đang nghiên cứu để lựa chọn chuyên ngành học Marketing thì VinUni là một trong những trường đáng tin cậy và uy tín dành cho bạn.