MOET ROUNDTABLE AND WORKSHOP ON LIFELONG LEARNING

Tọa đàm bàn tròn cấp cao: Vai trò lãnh đạo của Đại học trong thế kỷ 21

Tại Hội nghị Giảng dạy và Học tập lần thứ nhất tổ chức tại VinUni, ngày 17 tháng 06 năm 2022, Tọa đàm với chủ đề Vai trò lãnh đạo của Đại học trong thế kỷ 21 đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chứng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự tham gia của sáu cơ sở giáo dục đại học, là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Fulbright, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, và Trường Đại học VinUni. Sau gần hai tiếng tọa đàm, các bên đã nhất trí ký kết Tuyên bố chung, mở ra triển vọng cho hàng loạt hợp tác và đóng góp trong tương lai.

Tuyên bố chung của Tọa đàm Bàn Tròn Cấp cao: Vai trò lãnh đạo của Đại học trong thế kỷ 21

 

Thời gian & Địa điểm tổ chức
10:00AM- 11:45 sáng ngày 17/6/2022
Phòng hội thảo: Peace Room I201, VinUniversity, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội

Mục tiêu:

Tọa đàm bàn tròn cấp cao giữa các lãnh đạo giáo dục là sáng kiến của trường Đại học VinUniversity, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Fulbright và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thúc đẩy các trường chia sẻ các thực tiễn tốt và hợp tác, cùng đưa ra chương trình hành động thiết thực nhằm đóng góp cho lĩnh vực học tập và giảng dạy.

Chủ đề:

Lãnh đạo các trường đại học đưa ra sáng kiến và chương trình hành động có thể thực thi trong thời gian 01 năm tiếp theo, trong các lĩnh vực sau:

1) Chuyển đổi số trong giáo dục đại học;
2) Thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục bậc cao;
3) Trách nhiệm xã hội/ cộng đồng của các trường đại học;
4) Kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông, …;
5) Thúc đẩy đổi mới giảng dạy và học tập.
2. Hội thảo về “đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với cơ sở giáo dục đại học”

Thời gian: 10:00 -16:30 ngày 17/6/2022;
Địa điểm: Phòng Ball Room G104, Đại học VinUni
Chủ trì: Lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Giới thiệu:

Xây dựng XHHT không dừng ở các chủ trương, các hoạt động tuyên truyền về nhận thức, xây dựng các mô hình cơ sở phục vụ cho việc học tập của mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng XHHT cần phát triển và cụ thể hóa theo hướng xây dựng các chính sách tạo động lực cho thúc đẩy học tập suốt đời của mỗi cá nhân, của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Trong đó, việc xây dựng các mô hình học tập đóng vai trò quan trọng.

Xây dựng mô hình “đơn vị học tập” thông qua Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập sẽ hỗ trợ trực tiếp cho phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Khi cơ sở giáo dục đại học là “đơn vị học tập” cơ sở đó không chỉ sáng tạo tri thức mà còn sẵn sàng chia sẻ tài nguyên, học liệu mở cho các cơ sở GDTX, hỗ trợ nội dung cho cá mô hình học tập khác như: “đơn vị học tập” cấp tỉnh, cấp huyện và “cộng đồng học tập” cấp xã thông qua mạng lưới cơ sở GDTX cùng với hạ tầng CNTT kết nối. Xây dựng các mô hình học tập là một trong những nhiệm vụ giải pháp trong Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Bên cạnh các mô hình này còn có mô hình “thành phố học tập” trên cơ sở tham khảo Bộ tiêu chí “Thành phố học tập” trong mạng lưới hơn 1000 thành phố học tập toàn cầu theo tiêu chí của UNESCO mà hiện nay Bộ GDĐT đã triển khai thí điểm tại 08 thành phố trong cả nước.

Hội thảo hôm nay với nội dung trọng tâm là góp ý hoàn thiện về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập, trao đổi các vấn đề đảm bảo chất lượng liên quan tới GDTX và việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các cơ sở GDTX. Bộ GDĐT đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, sở GDĐT, cơ sở GDTX thông qua kết quả triển khai thí điểm Bộ tiêu chí tại 05 trường đại học tham gia thí điểm để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của từng tiêu chí và chỉ số. Đồng thời thảo luận về định hướng quy trình triển khai diện rộng, làm cơ sở để Bộ GDĐT hoàn thiện và công bố phương án, quy trình triển khai mở rộng Bộ tiêu chí trong các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GDĐT trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các đơn vị đã có mặt tại đây sẵn sàng đóng góp ý kiến cho Hội thảo, góp phần không nhỏ tới thành công của Hội thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo